Trang Chủ - Kinh Văn - Ngoại Văn - Tư Tưởng - Khảo Cứu - Văn Học - Nghệ Thuật

Đi, Về... Giữa Cuộc Viễn Du (Mặc Không Tử)


Nó sinh ra nhằm cung Di, lớn lên lại được nuôi dưỡng trong tinh thần Vô sở trụ của Thiền môn, chỗ ở đối với nó thật đúng như tinh thần “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” của kinh Kim Cang. Độc hành đi về phía trước. Nó tự nhận mình là du tử rong chơi giữa cuộc lữ này. Với nó, đâu đâu cũng là đường về, đâu đâu cũng là quê hương. Bạn bè, người quen nhìn vào, ai cũng ái ngại cho nó. Riêng nó, nó thường vỗ bọc hành lý mỉm cười: Trăm năm quảy gánh phiêu bồng, có-không-không-có muôn trùng huyễn hư.

          Ngày ra trường, nó lại dời chỗ. Nơi đến lần này là viễn mộng khơi vơi. Quảy chiếc đãy ta bà, nó làm một chuyến vân du ra Bắc. Ở lại Hà Nội mấy hôm, đi viếng một số danh lam ở ngoại thành Hà Nội: chùa Thầy, chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian, v.v… sau đó, nó đón xe ra Quảng Ninh, bộ hành lên Yên Tử. Ngày nó đặt chân lên vùng đất thiêng, mưa lay bay, mù sương lãng đãng… Cảnh thơ mộng, liêu trai, thật giống như tranh vẽ. Đi mệt, nó dừng lại tĩnh tọa trên một tảng đá lớn gần chùa Một Mái[1] trên đường lên chùa Đồng và dùng bữa trưa bằng ổ bánh mì mang theo. Nó nghĩ đến Thầy, muốn kể Thầy nghe về lộ trình hắt hiu… Nó gọi điện thăm Thầy, khoe Thầy bài thơ vừa cảm tác… Thầy hỏi nó:
-         “Con đi với ai?”.
-         “Dạ, bạch Thầy, con đi một mình ạ.”
-         “Ừ, cũng nên như vậy. Đi để đọc cái tâm của ngài Trần Nhân Tông ngày xưa… Trước đây Thầy cũng một mình chống gậy leo Yên Tử... Chuyến đi này con phải làm cho được mười bài thơ về Yên Tử như Thầy đó nhé”, Thầy cười vui…
Nghỉ ngơi xong nó lại tiếp tục leo núi. Nhìn quanh không một bóng người, chỉ nghe tiếng gậy gõ lanh canh xuống đường đi. Cũng đúng thôi, khách hành hương về Yên Tử rất đông, và thường thì người ta chỉ leo đến chùa Hoa Yên và đi bằng cáp treo lên đỉnh. Hơn nữa, những ngày mưa gió thế này, ai lại như nó… “Chống gậy lên non khi thích chí, mệt buông rèm trúc ngủ giường tre.” Nó thầm nhủ: tinh thần Thiền học của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần đó. Bước đi trên những dấu chân xưa, lòng nó thấy vui vui… Nó lên đến chùa Đồng khoảng tầm 3 giờ chiều, lúc này sương mù xuống dày đặc hơn. Đi giữa không gian thế này con người ta có cảm giác như đi trong mây mù, thân nhẹ tênh, bụi trần, phiền lụy của cuộc sống đã rơi rụng đâu đó dưới chân núi. Bày bộ ấm trà, nó ngồi độc ẩm giữa mây ngàn gió núi…
Nó cứ nấn ná với đỉnh Phù Vân, không muốn trở xuống nữa. Những ngày ở Yên Tử, nó chống gậy lang thang khắp nơi, từng cụm rêu cũng trở nên thân thương… Tập giấy nó mang theo đã đầy ắp chữ. Chiều hôm trước ngày xuống núi, nó leo lên đỉnh non thiêng và đánh một giấc thật say.
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử ở chân núi lại níu chân nó. Nó xin ở lại một thời gian và sống như một thiền sinh thực thụ tại Thiền viện. Ngày rời Thiền viện, Sư cô tri khách và quý cô đã tặng nó nhiều thứ… Gánh hành trang nặng thêm chữ ân tình. Nó chép tặng lại Thiền viện mấy câu thơ:
Chùa Lân[2] ghé lại hay về?
Ta chừ chẳng biết rằng quê chốn nào
Nhìn lên mây trắng trên cao
Non ngàn biển rộng nơi nào Phù Vân[3]?
Ra đi. Trở về. Ôi, cái cuộc lữ tương quan tương duyên này! Điểm đến tiếp theo của nó là Côn Sơn, nơi Tam tổ Huyền Quang đã hành đạo và tịch ở đó. Nó đi theo dấu chân xưa hay nó trở về chốn xưa, biết nói thế nào cho đúng đây nhỉ?
Ái chà hai chữ phù vân
Quảy lui quảy tới trăm lần thế a!
                   




[1] Xưa có tên là am Ly Trần, nơi vua Trần Nhân Tông thường ngồi đọc sách, viết kinh.
[2] Chùa Lân, nay là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử
[3] Xưa, nơi tu tập của ngài Trần Nhân Tông còn gọi là Phù Vân am

Không có nhận xét nào: