Trang Chủ - Kinh Văn - Ngoại Văn - Tư Tưởng - Khảo Cứu - Văn Học - Nghệ Thuật

Những Ngọn Nến Đời (Toại Khanh)

Sáng Chủ Nhật. Một người quen gọi phone hỏi tôi sáng nay có viết thêm bài mới bỏ lên mạng. Họ hỏi bằng cái giọng của bà chủ hỏi người làm. Như tôi ăn lương tháng của ai đó để viết bài. Tôi chợt nghe chạnh lòng, một cảm giác tưởng đã mất tiêu từ mấy năm dài vô sở trụ và đặt hết nhân gian ngoài bậc thềm rêu. Vậy mà…
        Thì ra thiên hạ nghĩ viết lách là chơi trò xếp hình, xếp chữ. Ra chợ mua một đống hình hay mẫu chữ cắt sẵn rồi về cắm đầu ráp lại theo một hướng dẫn sẵn. Đời con tằm cũng bạc đến thế là cùng.
         Tôi bước vào nhà tắm và rồi một mẩu nến vụn ở đó đã đập vào mắt tôi như một chia sẻ. Tôi vừa nhớ đến hai câu thơ của ông Lý Thương Ẩn. Xuân tàm đáo tử ti phương tận, lạp cự thành khôi lệ thủy can. Lý do tồn tại của con tằm là nhả tơ, khi không nhả tơ được nữa thì tằm cũng chết. Lý do tồn tại của ngọn nến là cháy sáng, là tự hủy mình để soi rọi nhân gian. Hành trình hiu hắt đó chỉ chấm dứt khi nến đã tàn.
       Đời người suy cho cùng cũng là một hành trình tự hủy để tồn tại: Đốt cháy tuổi thơ để trưởng thành, đốt cháy tuổi trẻ để thành nhân và chuyên môn một chút thì mỗi phút giây đốt cháy năng luợng trong từng tế bào để tìm về cõi chết.
         Trong giáo lý Duyên Khởi, cái khổ trước sản sinh và nuôi dưỡng cái khổ sau. Trong đời sống thường nhật, người ta đã phải tiêu thụ, thiêu hủy cái này để tạo dựng cái khác. Lịch sử văn minh nhân loại là những trận lửa và những cuộc hồi sinh tiếp nối nhau. Và từ nền tảng đó, vô thường là một quy luật tồn tại của vạn hữu. Phật giáo nói ra sự thật đó không phải để nhân gian thêm buồn, mà ngược lại, để người ta sống thanh thản, nhẹ nhàng, tự do hơn. Vì tự do chính là nhìn thấy sự thật. Chưa thấy được sự thật thì sống trong ảo giác, mà ảo giác lại là lối về của nước mắt. Thấy ra sự thật, người ta trưởng thành và không còn cái sợ hãi của trẻ con khi bị đứt tay hay bỏng lửa. Vậy thì đời sống mỗi người rõ ràng là những ngọn nến. Lúc mê thì chỉ tự hủy để tồn tại và trầm luân, lúc ngộ thì tự hủy để soi sáng và giải thoát.
              Tôi nhớ hình như chưa có nhà thơ nào có thể làm thơ hay mà không cần đến những phút giây khổ nạn. Thơ họ phải có từ những giây phút tự cháy. Bản chất của đời sống là bất toại, là xót xa. Không bước vào để tận mắt nhìn thấy nỗi xót xa thì ngôn ngữ không có sức sống.  Nói năng theo cách vô bệnh thân ngâm thì chỉ toàn là sáo ngữ hư ngôn. Phải có hành trình vạn lý thì mới có được một du ký xuất sắc. Đó cũng là lý do của chữ Chợ Đời. Anh phải trao ra cái gì đó thì mới có được cái anh muốn. Tiền nào của nấy.
            Tôi nhớ lại rồi. Hôm nào không nghe trong lòng có lửa, hôm đó có nói hay viết gì thì cũng nhạt nhẽo vô hồn như  người ta ca hát bằng thứ ngoại ngữ mà mình chưa rành. Đó chỉ là nhép miệng một thứ không thuộc về mình. Trong khi đó, ngọn nến nào cũng phải tự cháy bằng tim bấc của chính nó. Anh phải sống bằng cách đốt cháy năng lượng của chính mình, phải giải thoát bằng cách đốt cháy những ngộ nhận của tự thân. Sống bằng năng lượng của người khác thì chỉ là con ốc mượn hồn. Và giải thoát thực sự thì không thể bằng những kiến giải vay mượn mà thiếu sự tiêu hoá.
            Tôi vừa ngừng gõ bàn phím để đọc lại bài viết và chợt giật mình. Tôi vừa viết cái gì đây? Hình như chưa một bài tiểu luận nào trước đây gửi trên Phapluan.net tôi lại viết bằng tâm tình một ngọn nến như bây giờ. Nhưng liệu tôi có làm người đọc bị bỏng lửa vì sức nóng của nó. Có lẽ tôi phải gọi phone hỏi chuyện đó với một người quen đã sang sông. Quanh tôi chẳng có ai để mà hỏi ý. Nhưng trời ạ, hình như đó không phải là phong cách một ngọn nến. Nó phải tự cháy. Dù lòng vẫn không thể nào quên nổi một ngọn nến đã sang bờ khác! 

Không có nhận xét nào: