Em mắt biếc ngây thơ ngày
hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy
hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bát
ngát
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm
bao.
Ở đây không cần phải luận bàn làm gì
cái sở học uyên bác và trí tuệ cao thâm của nhà sư tác giả bốn câu thơ ấy. Chỉ
nói riêng chút xíu về hồn thơ, hơi thơ của ông qua vài bài thơ mà nhiều người
từng đọc và say mê. Trước nhất là bài thơ vừa đọc ở trên (có trong thi phẩm Giấc
Mơ Trường Sơn), tựa đề: Thoáng Chốc.
Bài thơ bắt đầu bằng nhân vật ở ngôi
thứ ba: "Em" (cô ấy, người ấy); mà cũng có thể là nhân vật ngôi thứ
hai lắm! Em. Vâng, tôi nói với em đấy. Không nói bằng lời mà bằng tâm.
Em: mắt biếc, ngây thơ
Tả một người đẹp chỉ bằng mấy chữ. Mắt
biếc: cửa sổ tâm hồn. Ngây thơ: tâm hồn. Chỉ nhìn vào cửa sổ là thấy được cái
gì ẩn sâu bên trong. Cửa sổ xanh biếc, xanh như ngọc, mở ra một tâm hồn trong
trắng ngây thơ. Không những vậy, cái vẻ ngây thơ còn được xác định thêm bằng
khung cảnh chung quanh, bằng sự rộn rịp đông đảo của một ngày hội lớn; qua đó,
thi nhân thấy "em" ngây thơ chi lạ giữa chốn lễ hội chen chúc những
người là người. Lễ hội nào đây? Phải là lễ hội lớn ở chùa thì mắt biếc mới giao
cảm với cái nhìn của thi nhân. Tết thượng nguyên? Lễ Phật Ðản? Không. Những
ngày lễ hội này vui lắm. Khí trời ấm cúng, lòng người nô nức hân hoan. Không
thích hợp để lòng mình bất chợt nẩy sinh một nỗi buồn vu vơ, hoặc bỗng dưng mà
tha thiết yêu người như vậy. Phải là ngày Lễ hội Vu Lan. Mùa thu. Gió lành
lạnh. Buồn buồn. Một
ngày lễ tuy cũng là hội lớn nhưng không rộn ràng vui tươi như ngày xuân hay
Phật Ðản. Ngày ấy, những người con xa gia đình sẽ nhớ cha nhớ mẹ hơn; những nhà
tu sẽ dễ chạnh lòng hơn.
Nơi sân chùa, tiếng trống, tiếng
chuông, tiếng mõ, ban kinh sư nhịp nhàng câu kinh tiếng kệ, hàng nghìn người bu
quanh đàn tràng chờ đợi giờ phút giành giật thực phẩm cúng cô hồn... Và em bỗng
nổi bật giữa chốn lễ hội ấy, với đôi mắt ngạc nhiên quan sát, tìm hiểu quang cảnh
lễ hội một cách thú vị. Và rồi một thoáng bất chợt bắt gặp nhà sư thi sĩ.
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy
hao
Nắng lúc ấy không còn gay gắt nữa. Màu
nắng bỗng dưng dịu xuống... Dịu không phải vì nắng thu mà vì một khoé môi cười.
Khoé môi cười làm cho "nắng quái" hao gầy đi, giảm gắt đi. Nói cách
khác, trời nắng gắt bỗng dưng êm dịu đi khi nàng nở một nụ cười. Nụ cười gì đấy
nhỉ? Cười với ai? Cười với bạn bè? với người thân? hay với nhà sư thi sĩ? Có lẽ
là cười với nhà sư. Em mỉm cười thay một lời chào. Nhưng cười thế nào mà nắng
quái cũng gầy hao? Cười thế nào mà lòng bỗng bâng khuâng, dìu dịu... để không
kềm được lời ca:
Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy
hao
Chưa hết. Ngay lúc ấy, ngay ở cái
quang cảnh tưng bừng lễ hội ấy, mà tự dưng dáng em bỗng trở thành hiện thân của
một con cò trắng giữa đồng xanh. Rõ ràng là em đang đứng giữa rừng người mà sao
thi nhân lại thấy khác đi. Thấy em nổi bật lên, không phải như con cò trắng
đứng giữa bầy cò đen; cũng không phải như con cò trắng đứng giữa bầy gà, bầy
vịt, mà đứng giữa đồng xanh bát ngát. Tất cả mọi người chung quanh đều mất
dạng, không hiện hữu. Chỉ có một mình em áo trắng, ngây thơ, mắt biếc, đứng
giữa đất trời mênh mông.
Như cò trắng giữa đồng xanh
bát ngát
Mắt biếc, ngây thơ, trong chiếc áo dài
trắng (lại áo trắng!), đứng lặng lẽ, nở một nụ cười, giữa đám người chộn rộn.
Ôi, đẹp như thế, làm sao mà lòng khỏi bâng khuâng xao động; làm sao mà chẳng
thành thơ; làm sao mà khỏi yêu được! Vì vậy:
Ta yêu người
Ðừng vội, hãy đọc ngang đó, ngắt ngang
đó thôi. Khoan đọc tiếp mấy chữ cuối. Khoan chấm dứt bài thơ. Hãy dợm một chút
ở nơi này. Và hãy mượn bài thơ của thi nhân để diễn tả thể cách yêu bình phàm
của chúng ta:
Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy
hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bát
ngát
Ta yêu người.
Ta yêu người, chấm hết. Rồi bắt
đầu bước chân chinh phục, chiếm hữu. Bước chân đó mỗi người có một cách riêng,
không cần phải nói ra. Chỉ cần: Ta yêu người, là xong.
Cái trình tự thương yêu của người trần
sẽ trôi đi như thế. Thấy em mắt biếc, trong trắng, dịu dàng, cười rất có duyên,
nổi bật giữa đám phàm phu tục tử khác... thì phải yêu thôi. Vâng, ta yêu người,
tôi yêu cô, anh yêu em. Phải là như thế. Bài thơ của chúng ta, dù theo vần điệu
và thể loại thì không muốn cắt ngang đó, tức lắm; nhưng trên thực tế đời sống
thì chúng ta cắt ngang đó cái rụp, đâu có cần suy nghĩ gì nữa. Ðẹp, có
duyên như vậy thì... yêu! Bài thơ chấm dứt, có một đoạn kết rất thực tế, rất
phổ thông, rất là người.
Nhưng bài thơ của nhà sư thi sĩ thì
tiếp tục:
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm
bao.
Vẫn là yêu, nhưng tình yêu đã được
thăng hoa. Từ cái yêu bình phàm của nghệ nhân trước cái đẹp biến thành tình yêu
của đạo sĩ đối với lẽ chân của con người và trần gian khổ lụy.
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm
bao
Lý do yêu người được khẳng định. Không
phải vì cái đẹp, cái ngây thơ trong sáng, cái duyên dáng mảnh mai thon thả của
một thiên thần áo trắng, mà chính vì cái mong manh dễ tan dễ vỡ của màu trắng
ấy. Tất cả cái đẹp đều chỉ là cái đẹp trong mộng huyễn vô thường. Nhưng cũng
chính vì mộng huyễn vô thường mà tất cả trở nên đẹp.
Tất cả nằm trong một khoảnh khắc chiêm
bao. Chính khoảnh khắc chiêm bao này làm đảo lộn tất cả những gì diễn ra tưởng
là y hệt con người trần thế trước đó. Ba câu thơ đầu diễn tả cái đẹp của một
nàng thơ áo trắng. Ðáng yêu quá. Trùng hợp với tâm trạng chúng ta quá. Nhưng
đến câu thứ tư, thi nhân bỗng đổi giọng và nói tiếng nói tỉnh thức của đạo
nhân. Ðạo nhân ấy không nói "anh yêu em" như chúng ta, mà nói
"Ta yêu người". Lối xưng hô của một kẻ đứng bên ngoài, bên trên, nhìn
xuống cuộc đời tạm bợ, huyễn hóa. Ở câu đầu gọi bằng "em" ngọt sớt
theo thể điệu của thi nhân, bỗng dưng đổi giọng nghiêm trang, cao vợi của một
bậc thầy, một hành giả trên đầu ghềnh tử sinh, gọi người ta bằng
"người"! Mà "người" ở đây, cũng chưa hẳn là chỉ riêng cho
"em" đâu. Có thể là chỉ chung cho mọi con người khổ lụy trầm luân
trên cuộc đời. Như thế, nhìn "em" mà thấy tất cả. Em là hiện thân của
tất cả chúng sinh, của chiêm bao mộng mị. Ðổi xưng hô, thay cách gọi, là xoay
ngược cái nhìn và thế đứng của mình trước đối tượng cuộc đời.
Một khoảnh khắc đam mê, một khoảnh
khắc lấp lánh long lanh của tình thơ lai láng, lâng lâng... bất giác biến thành
chiêm bao. Tình yêu cũng chiêm bao. Cái đẹp cũng chiêm bao. Khoảnh khắc thơ
mộng nhất, nên thơ nhất cũng chiêm bao...
Cho nên, đừng nói rằng đạo nhân sắt đá
không có trái tim. Không có trái tim thì làm sao cứu độ con người, cứu độ cuộc
đời? Họ yêu và phấn đấu thăng hoa tình yêu ấy. Họ cảm nhận được cái đẹp không
phải chỉ qua những hình hài cụ thể mà còn cảm nhận được cái đẹp trường cửu
trong từng hiện hữu chiêm bao. Không ai yêu mà thốt nên lời thơ tiếng ca tuyệt
vời như những thi nhân, nhưng chẳng ai yêu mà cảm nhận sâu sắc tận bản thể đối
tượng yêu thương như đạo nhân. Tình yêu ấy bập bềnh như chiêm bao nhưng lại bất
tử, bởi vì nó được khơi dậy từ một khoảnh khắc và được cảm nhận một cách trọn
vẹn trong chính khoảnh khắc ấy.
Bài thơ đẹp một cách bất ngờ. Không
biết yêu thì không làm sao có được lời thơ đẹp như thế. Mà không siêu thoát thì
cũng không làm sao có được ý thơ thâm viễn thượng thừa như vậy. Khi nào bị dìm
xuống đáy vực khổ đau, bạn có thể, nói theo kiểu của nhà thơ Phùng Quán:
"Vịn câu thơ mà đứng dậy." Vâng, bạn có thể đọc bốn câu thơ của
Tuệ Sỹ để đứng dậy cho một tình yêu bất tuyệt:
Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy
hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bát
ngát
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm
bao.
..............
Kế tiếp chúng ta sẽ đọc một hơi một số
bài thơ của Tuệ Sỹ. Chỉ đọc thôi. Không đủ sức bàn đâu. Bàn thơ ông mệt lắm,
thưởng thức thì thú vị hơn. Bây giờ phải nghỉ mệt!
Ðây là một bài khác (lại chẳng nhớ tựa
đề):
Ðôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội
cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi
hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng
tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng
thế
Nay mùa đông, mai mùa hạ buồn chăng?
Ðếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn.
Bài thơ trên, cố thi hào Bùi Giáng đã
đọc một cách tỉ mỉ và bay bổng lắm rồi, không cần phải dặm thêm gì nữa. Chỉ
đọc, chỉ thưởng thức thôi, là đủ thấy đời mình hạnh phúc. Hạnh phúc không phải
kiểu đọc thần chú hay thi kệ để tìm an lạc giải thoát; mà chỉ đơn giản là cái
hạnh phúc có được một bài thơ tuyệt tác, đáng học thuộc lòng để lâu lâu lấy ra
ngâm nga cho thống khoái cuộc đời.
Thơ Tuệ Sỹ mang cái âm hưởng buồn vời
vợi, xa xăm, nhưng lại kỳ ảo lắm! Chúng nâng hồn mình lên đến những tầng bậc
cao thẳm mù khơi của trí tuệ, nơi đó mình bỗng dưng một mình chơi vơi ở ngoài
cõi nhân gian nhớp nháp hệ lụy.
Thơ ông cũng có những bài thật ngắn.
Có thể không gọi được là "bài" mà là những câu thơ tinh lọc thoạt
biến hiện, rơi rớt trên những chặng đường xuôi ngược đó đây... Những khát vọng
cao xa, những nỗi nhớ triền miên về cung đàn xưa cũ. Cung đàn nào đây mà chỉ
nhớ một nửa? Ðối với thế nhân thì là cung đàn tình ái. Nhưng với đạo nhân như
Tuệ Sỹ thì có lẽ là cung đàn giải thoát, giác ngộ. Một nửa đã tìm thấy (kiến
đạo) nhưng một nửa kia (tu đạo) thì chưa tròn? Chắc là vậy. Và nhớ là nhớ cái
một nửa chưa lấy lại được. Thế mà ai lại đành đoạn đem cái quán trọ, cái phù du
tạm bợ mà ngăn đường cản lối cho vướng víu bước chân người đại trí đại hùng!
Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về?
Giọng như hờn trách nhẹ nhưng không
phải trách cái quán trọ, không phải trách cái người đem quán trọ mà chận ngang
đường đi! Trách đây là tự trách. Trách mình sao lại cứ bịn rịn bủn rủn tay
chân, nấn na nấn ná không biết từ chối cái ước muốn dừng chân nơi quán trọ để
một mạch ra đi "vĩnh viễn con tàu."
Chưa hết, ở hai câu sau này mới cực kỳ
lạ lẫm!
Anh đem giấc mộng đi hoang
Biết đâu mà kiếm trăng ngàn cho em?
Ôi, lại tự trách nữa rồi! Anh đi hoang
thế nào được! Rõ ràng ai cũng thấy là anh đi kiếm trăng ngàn cho em đó mà. Thế
mà anh tự nói, tự thú là mình đi hoang, đi hoang với một giấc mộng. Ði hoang
với giấc mộng này thì vô phương kiếm ra trăng ngàn cho người em đang đợi chờ
cho nên mới tự trách? Mộng gì đây? Chẳng phải là mộng bình thường đâu. Mộng
bình thường thì không đáng để bỏ đi trăng ngàn. Mà đi hoang thì không thể là
mộng bình thường được.
Thực ra anh chỉ nói vậy thôi, chứ anh
đã chủ định là không đi thẳng một mạch đến cung trời xa mà hái lấy con trăng
cho người: chỉ muốn làm thân lữ thứ, ôm giấc mộng, đi hoang, khắp phương trời
viễn mộng... Ðâu đó trên bước đường phiêu lãng, lữ khách luôn thấy con trăng
dõi theo bước chân phiêu bạt của mình. Thế thì cần gì phải kiếm trăng! Khi nói
"biết đâu mà kiếm" ắt hẳn là anh nói với miệng cười tủm tỉm. Anh đã
biết tỏng hết rồi! Giả bộ than thở, giả bộ chọc ghẹo cái người chờ đợi con
trăng không bao giờ mất đấy thôi!
Ôi, thi nhân! Họ ăn nói lạ lẫm kỳ cục
như thế! Nhưng mình đọc cái lạ lẫm kỳ cục của họ, mình thấy sướng vô tận trong
lòng.
.............
Ngoài những điều xưng tụng về trí tuệ
thâm viễn và kiến thức quảng bác của ông trong chốn thiền môn cũng như bên
ngoài xã hội, thực sự cái điều khiến tôi "mê" Tuệ Sỹ nhất là tâm hồn
nghệ sĩ của ông. Dù ông đang đạo mạo trang nghiêm nơi đạo tràng hay bục giảng,
tôi vẫn cứ thấy được cái "thơ" toát ra từ con người ông như thường.
Cõi thơ ông dị thường, sâu thẳm. Cõi ấy không có lối đi bằng chân. Chỉ có thể
thả hồn mình vào đó mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét