Trang Chủ - Kinh Văn - Ngoại Văn - Tư Tưởng - Khảo Cứu - Văn Học - Nghệ Thuật

Tản Mạn (Mặc Không Tử)

Photo: MKT
Lâu rồi nhỉ! Hắn không viết một đoản văn hay một vần thơ nào cho riêng mình.
Trời Lanka sáng nay mưa nhẹ lay bay. Hắn vừa buột miệng “mưa xuân” thì chợt mỉm cười với chính mình. Bây giờ là tháng 4 kia mà! Nhưng sao giống mưa xuân ở Huế quá. Tiếng chim líu lo hiên ngoài như cùng hợp tấu với lòng người…

Nhớ có lần hắn về Huế thăm Thầy vào tháng giêng. Hôm ấy trời mưa lất phất, se se lạnh. Trước khi lên núi hắn đã ghé qua Vô Vi am ở chùa Thiên Mụ để thưởng trà. Như để đãi bù 364 ngày còn lại trong năm, vậy là hắn được am chủ cho thưởng thức tất cả các loại trà hiện có. Lò trầm hương thật to trước am khói bay nghi ngút. “Hôm nay thầy đặc biệt cho Trà U ngắm khói trầm”, am chủ cười vui. Sau 3 tuần trà, ôn trụ trì Thiên Mụ đứng dậy và không quên nhắn kèm câu, “con cứ thảnh thơi ngồi uống trà, chút thầy cho điệu mang cơm ra, con dùng trưa ở đây cũng được”. Được lời như mở cõi lòng. Hắn dạ và đứng dậy xá chào ôn, lòng vui và thầm biết ơn tâm lượng bao dung của ôn. Sau bữa cơm trưa, ôn gọi bác cư sĩ đến để đưa hắn lên Huyền Không Sơn Thượng. Lần nào về Huế cũng vậy, Thiên Mụ như trạm dừng chân. Mà cái trạm dừng chân, “cái hóa thành này” sao mà thơ mộng lạ! Khoảng 13h30 hắn có mặt ở am Mây Tía.
-          “Dạ, bạch Thầy!”
-          Con mới ra à!”
Thầy rời bàn viết.
-          “À, nì, con đốt thử loại trầm ni và pha trà uống cho vui”.
Thầy quay sang nói với sư thị giả, rồi bảo hắn.
-          “Con ngồi đi.”
Hắn tần ngần. Thầy chưa bao giờ cho hắn đảnh lễ. Vậy là hắn chỉ biết đảnh lễ trong tâm rồi ngồi xuống. Một lần duy nhất hắn được đảnh lễ Thầy là cái ngày hắn về thăm Thầy để qua Tích Lan học.
Bên ngoài mưa nhẹ lay bay, cả núi rừng sơn thượng như được bọc trong một dải lụa mỏng màu khói. Giọng nói trầm ấm cùng nụ cười vô ưu của Thầy đã làm ấm lại lòng lữ khách tha phương. Câu chuyện như thêm thi vị bên hương trầm, vị trà và mưa xuân bên ngoài. Đôi lúc là một bài thơ Thầy vừa mới viết, đôi lúc là một bài phê bình văn học, đôi lúc là một câu chuyện thiền mà Bắc truyền xem như là công án thoại đầu. Hắn biết ơn Thầy. Thầy đọc được tâm học trò và đã khéo léo mở khai…
-          “Dạ. Đã cũ rồi phải không Thầy. Đời sống tinh khôi tươi rói trong từng sát na. Thực tại hiện tiền đang trôi chảy. Cái công án thiền ấy đã ‘chết’ ngay sau khi người học trò nhận công án trực tiếp từ thầy mình. Nó không liên quan chi đến ‘người ngoài cuộc’. Vậy mà…”
Thầy cười vui. Lúc nào cũng vậy, câu chuyện giữa thầy và trò ngưng ngang với một “công án”. 7 năm rồi hắn đã học ở Thầy bằng cách ấy. Và có lẽ đó là cách khả dĩ và hợp lý nhất mà Thầy dạy hắn.
Thầy, một đời sống mô phạm, miệt mài thắp sắng ngọn lửa hiểu và thương qua những vần thơ, trang viết. Như lão bách tùng gân guốc hạo nhiên giữa đất trời. Thời gian đã vẽ thêm những nét chấm phá cho bức tranh thủy mặc ấy thêm phần sinh động. Hắn chợt nhớ đến bức thư pháp Thầy đã viết tặng hắn trong lần gặp đầu tiên:
“Như cô hạc ngàn năm suối trong không tìm lại
Như hoa nở một lần thiên thu là hiện tại.”
Lão hạc. Cô hạc. Dã hạc. Đời sống của hạc là suối trong, là mây trời, nắng ấm và núi rừng thênh thang… Hình ảnh so sánh thật đẹp. Hai câu thơ đã từng là “công án thoại đầu” của hắn trong nhiều năm. Hắn không muốn lại một lần nữa dẫm lên vết chân xưa, lý giải thiền… Bác Bùi Giáng cũng thật là, “người nằm xuống từ ngàn xưa vang bóng, ta bước qua từ ngữ rụng hai lần”.







Không có nhận xét nào: