Trang Chủ - Kinh Văn - Ngoại Văn - Tư Tưởng - Khảo Cứu - Văn Học - Nghệ Thuật

Tùng (Thích Nhất Hạnh)


Sau khi thỉnh được 107 tiếng đại hồng chung, chú Tâm Thể dùng cán vồ chuông khẽ điểm hai tiếng keng keng trên lưng chuông để báo hiệu cho sư huynh là Tâm Hiền rằng chỉ còn một tiếng đại hồng chung cuối cùng nữa là chuông nhập, và buổi công phu sáng bắt đầu. Đợi cho tiếng chuông thứ 107 ngân hết, chú mới thỉnh đến tiếng chuông thứ 108. 

Từ góc thiền đường chùa Pháp Vân đã có tiếng bảng của chú Tâm Hiền. Chú Tâm Thể đáp lại ba tiếng bảng đầu bằng ba tiếng đại hồng chung và buông vồ xuống, trong khi ba hồi bảng của chú Tâm Hiền kéo dài. Đại chúng đã sẵn sàng trên chánh điện để bắt đầu công phu sáng.

Chú Tâm Thể khoác chiếc áo tơi lên vai cho ấm rồi xuống thang lầu chuông, mở cửa đi ra ngoài. Sương mù còn dày đặc. Chú rảo bước về phía tam quan chùa, nơi vị khách tăng tá túc.

Vị khách tăng này tới chiều hôm qua nhưng không vào chùa, chỉ xin nghỉ chân lại ngoài tam quan. Chú Tâm Thể đã mời ông ta vào nghỉ ở hậu liêu nhưng ông từ chối. Ông ta chỉ xin chú một mảnh chiếu để ngủ lại ngoài tam quan, nói rằng sáng sớm khi sương mù tan, ông ta đã phải lên đường sớm. Chiếc áo nâu bạc màu của khách tăng dính đầy bụi đường. Tóc râu dài ra nhưng ông không cạo, mặt mũi tay chân ông đầy cáu ghét, và từ người ông bay ra một mùi tanh hôi nồng nặc. Chú Tâm Thể đã vào chùa bưng ra một chậu nước và một chiếc khăn tay. Rồi chú lại vào đem ra một chiếc chiếu trải trên nền tam quan. Đợi vị khách tăng rửa mặt rửa tay xong, chú bưng ra một chiếc mâm gỗ, trên mâm có một bát cháo trắng, một ít dưa cải, một chén nước tương và một đôi đũa. Vị khách tăng cảm ơn chú và thong thả ngồi ăn cháo. Chú chắp tay chào ông và khoan thai trở vào chùa. Độ một giờ sau, khi trở ra tam quan, chú thấy vị khách tăng đã nằm cuộn tròn trong chiếc chiếu ngủ. Chú cúi xuống bưng chiếc khay lên và nhẹ nhàng đi vào nhà bếp. 

Sáng nay ra tới tam quan, chú thấy vị khách tăng đang yên lặng ngồi thiền. Ông không ngồi theo kiểu kiết già, chân phải của ông co gối lên, bàn chân đặt trên mặt đất. Mình mẩy vị khách tăng hôi hám nhưng phong thái của ông thật thanh cao. Tuổi ông vào khoảng bốn mươi lăm, năm mươi. Nét mặt của ông sáng sủa, khả kính; tóc râu ông ra dài, có lẽ đã nhiều tháng chưa cạo. Đây là một du tăng hành tung bí mật, chú Tâm Thể thầm nghĩ. Có lẽ ông ta không muốn làm phiền đại chúng chư tăng vì hình thức không chỉnh đốn của ông, cho nên đã từ chối lời mời hôm qua của mình vào ngủ trong hậu liêu. Sáng nay nếu mình được nói chuyện với ông ta thì thế nào mình cũng biết được chút ít hành tung của ông. Nghĩ thế, chú định quay trở vào chùa để mang ra một thau nước ấm cho vị khách tăng rửa mặt. Nhưng chú chưa kịp quay bước thì vị khách tăng đã mở mắt. Chú chấp hai tay lên ngực làm lễ. Vị khách tăng đằng hắng một tiếng nhỏ rồi lên tiếng.

- Từ đây đến núi Cửu Lũng còn bao nhiêu đường đất nữa, thưa chú? Chú lễ phép đáp:

- Bạch ngài, núi Cửu Lũng không còn xa, chừng nửa ngày đường thì tới. Để con vào lấy nước ấm ra Ngài rửa mặt.

Vị khách tăng khoát tay ra dấu không cần. Ông tựa vào tường, đứng dậy một cách mệt nhọc và đưa tay với lấy chiếc gậy trúc dựng ở góc tường.

- Cám ơn chú. Tôi phải đi ngay kẻo lỡ không tới kịp trước khi trời tối.

Nói xong ông chống gậy khấp khểnh đi ra khỏi tam quan. Chú Tâm Thể theo sau lưng, định tiễn vị khách tăng xuống đồi, tận ngả ba đường núi. Nhưng ông ta khoác tay ra hiệu cho chú đi lui. Từng bước khấp khểnh, ông lần xuống đồi. "Đi như thế thì nửa ngày đường không tới được núi Cửu Lũng." Nghĩ như vậy, chú Tâm Thể chắt lưỡi phàn nàn. "Đi xa mà cũng không có lấy một chiếc tay nải. Tóc tai áo quần đầy cả bụi đỏ. Mình mẩy thì gầy ốm đến trơ xương. Không biết đến núi Cửu Lũng để làm gì mà vội vàng đến thế." Chú có nghe nói đến ngôi chùa hay ngọn tháp nào ở núi ấy đâu. Chính chú cũng chưa tới Cửu Lũng lần nào; chỉ nghe nói rằng ngọn núi ấy khá hoang vu và đỉnh núi cao ngất, lấp trong mây mù, ít khi thấy được đường nét một cách rõ rệt. Không biết tại sao trong lòng chú Tâm Thể nẩy sinh một niềm kính mến đối với vị du tăng lạ kỳ kia. Dáng điệu và phong thái của ông ta có một cái gì khiến chú ưa muốn gần gũi và hiểu biết. Nhưng ông ta đã đi. Chú chép miệng:

-Vậy là mình không biết thêm gì hành tung của vị du tăng này cả. Chỉ biết có một điều là ông ta đang tìm tới núi Cửu Lũng.

Nghĩ như vậy, chú thong thả đi vào chùa, cùng các chú khác lo cháo sáng cho chư tăng, bởi vì buổi công phu khuya sắp kết thúc. 

Vị du tăng đi rất chậm, bước cao bước thấp. Ông có một mụt ghẻ trên bắp đùi trái, lớn bằng cả một quả bưởi. Mụt ghẻ làm ông đau nhức không cùng, nhưng ông chịu đựng không hề kêu la. Chỉ trong những giấc mơ thỉnh thoảng ông mới cất tiếng rên khe khẽ mà thôi. Nghe chú tiểu nói chỉ cần nửa ngày đường là tới núi Cửu Lũng, ông hy vọng có thể đi suốt ngày là tới được chân núi lúc trời tối. Nhưng mụt ghẻ hành ông đau nhức quá khiến hôm đó ông chỉ mới đi được hai phần ba đường. Ông phải nghỉ đêm dưới một gốc cây. Ông nhịn đói đã quen, bởi vì trong suốt sáu tháng trời du hành có nhiều hôm ông phải ngủ dưới một gốc cây và không có một hạt cơm nào bỏ bụng. Nếu trên đường đi mà gặp một ngôi chùa vào lúc trời tối thì ông xin tá túc lại, và khi nào cũng chỉ xin ngủ nhờ dưới mái tam quan. Thường thường ông được một chú tiểu như chú Tâm Thể mang một bát cháo hay một bát cơm nguội ra cúng dường. Chú tiểu hồi hôm thật chu đáo, đã đem cho ông một chậu nước ấm và một chiếc chiếu còn thơm mùi nắng. Tối nay ông ngủ, gối đầu trên một chiếc rễ cây. Khí hậu miền núi lạnh lẽo quá khiến ông co ro, trằn trọc cả đêm không hề an giấc. 

Trời chưa sáng hẳn vị du tăng đã trỗi dậy để tiếp tục cuộc hành trình. Sức ông yếu quá, nhiều lúc ông té quỵ, tưởng không đứng dậy được nữa. Nhưng ông vẫn cố gắng. Đi được vài trăm bước, ông dừng lại ngồi nghỉ trên một tảng đá. Vừa mới lấy lại được hơi thở, ông lại chống gậy đi. Cứ như thế cho đến lúc khoảng cuối giờ thân hôm ấy thì ông đến được chân núi Cửu Lũng. 

Nhìn quanh, vị du tăng không thấy dấu vết nào của dân cư, làng mạc. Không một làn khói lam nào bay lên để chứng tỏ rằng đàng xa kia có một nhà tiều phu đang thổi lửa nấu cơm chiều. Không thấy đường nét ngọn núi Cửu Lũng, vì rừng núi phía trên đã bị sương mù bao phủ. Làm sao mà tìm kiếm được thảo am của người ông muốn gặp, trong khi núi đồi thì bao la mà sương mù thì dày đặc?

"Người xưa ở tại núi này
Mây mù che lấp biết rày tìm đâu" (1)

Vị du tăng đành ngồi xuống nghỉ trên một tảng đá. Sáu tháng trời lặn lội mới lết tới được chân núi Cửu Lũng. Sương mù dày đặc quá, rừng núi bao la quá, xứ sở quạnh hiu quá, biết làm sao tìm hỏi được nơi cư trú của người xưa.

Người xưa vốn là một vị tăng người Ấn Độ tên là Kaniska. Cách đây mười sáu năm, vị du tăng, tên là Tri Huyền - đã gặp Kaniska tại một ngôi chùa cổ ở kinh đô Trường An nơi ông tu học. Vị tăng người Ấn khi ghé chùa thì đã bị ghẻ lở đầy người, hôi hám khó chịu, ai cũng lẫn tránh. Chỉ có Tri Huyền chịu khó thân cận và chăm sóc cho người. Sáng nào thầy Tri Huyền cũng bưng một chậu nước nóng tới phòng của Kaniska. Thầy bỏ một nắm muối biển vào chậu nước, hòa muối cho tan và bắt đầu cởi áo của ông thầy tu gốc Ấn và rửa ráy cho ông. Công việc rửa ráy xong xuôi, thầy lấy y sạch mặc cho Kaniska và đem chiếc y mới thay đầy máu mủ hôi hám đi giặt và đem phơi. Buổi trưa, Tri Huyền lại mang cơm tới cho Kaniska và buổi chiều thầy lại tới mang trà nóng đến, rồi cất dẹp khay bát của buổi ăn trưa. Chứng bệnh của Kaniska không thấy thuyên giảm, nhưng sự chăm sóc của Tri Huyền đã làm nhẹ bớt sự đau khổ của người bệnh. Suốt trong hai năm trời, Tri Huyền săn sóc cho Kaniska như săn sóc cho một người anh ruột, không có hôm nào thầy bỏ quên hoặc làm sơ sót. Đối với công việc chấp tác và tu học tại chùa, Tri Huyền không ngày nào là không làm tròn bổn phận, vì vậy không ai có thể trách cứ thầy là chỉ biết lo cho ông thầy tu Ấn Độ mà quên lãng trách nhiệm mình. 

Nhưng một buổi sáng, sau khi được rửa ghẻ và thay áo, ông thầy tu Ấn Độ nói với Tri Huyền giọng nhỏ nhẹ:

- Mấy năm nay thầy săn sóc cho tôi rất tận tụy, tôi rất cảm ơn thầy. Bắt đầu từ ngày mai, thầy không cần săn sóc cho tôi nữa, vì chiều nay tôi sẽ rời khỏi chốn này.

Tri Huyền sửng sốt:

- Ngài đi đâu. Đau yếu thế này thì lấy ai săn sóc cho ngài.

Kaniska nhìn thầy với vẻ mặt dịu hiền. Ông chậm rãi:

- Tôi có việc cần phải lên đường. Xin thầy Tri Huyền đừng lo. Ở đâu cũng có pháp lữ, thế nào rồi cũng có người lo lắng cho tôi.

Thấy Tri Huyền nét mặt đượm buồn, ông tiếp:

- Nhân duyên giữa chúng mình vẫn còn, chưa hết đâu mà buồn. Thế nào chúng ta cũng lại gặp nhau.Tôi biết thầy là người thông tuệ, sự tu học của thầy sẽ thành công lớn. Rồi đây thầy sẽ trở thành một vị cao tăng, tiếng tăm lừng lẫy. Tôi xin phép nhắc với thầy rằng mục đích của sự tu hành là để đạt tới giải thoát chớ không phải là để nổi tiếng. Tình thâm giao giữa chúng ta khiến cho tôi không ngần ngại mà nhắn nhủ với thầy như vậy.

Tri Huyền cúi đầu nhận lấy những lời chỉ giáo của Kaniskạ, Thầy lại hỏi:

- Ngài có nói là trong tương lai chúng ta sẽ gặp nhau. Vậy thì bao giờ chúng ta gặp nhau, và gặp nhau ở chốn nào. Tôi chỉ sợ sau này trên bước đường hành hóa, Ngài không còn lưu lại một dấu vết...

- Đã có nhân duyên với nhau thì dù có trốn nhau cũng vẫn gặp nhau. Đừng lo. Nội trong kiếp này thầy sẽ đạt được những bước lớn trên đường sự nghiệp. Tuy vậy túc nhơn vẫn còn vướng víu và trong khoảng mười bốn mười lăm năm nữa thế nào thầy cũng bị tai nạn. Lúc ấy hãy nhớ mà tìm đến tôi, tôi sẽ giúp thầy.

- Nhưng lúc đó thì biết Ngài ở đâu mà tìm? Tri Huyền hỏi. Đưa tiễn Tri Huyền ra khỏi phòng, vị tăng sĩ gốc Ấn nói:

- Cứ tìm đến núi Cửu Lũng ở Bành Thành, đất Tây Thục là có tôi ở đấy. Từ dưới chân núi nhìn lên thấy chỗ nào có hai cây tùng vươn lên cao ngất thì đó là nơi tôi ở. Thầy nhớ lấy tên núi nhé, Cửu Lũng Sơn ở đất Thục. 

Thế rồi vị tăng sĩ Ấn đã ra đi và từ đó thầy Tri Huyền không còn nghe ai nhắc đến tên người.

Thời gian qua mau, Tri Huyền dần dần nổi tiếng là bác thông kinh sử, mỗi khi thầy đăng đàn thuyết pháp là hàng ngàn người đến dự. Đất Thần Kinh thiếu gì cao tăng, nhưng tiếng tăm pháp sư Tri Huyền lừng lẫy cho đến nỗi một ngày kia vua Ý Tông cũng phải lưu tâm để ý. Năm ấy nhằm tiết Phật Đản, vua triệu pháp sư Tri Huyền vào cung thuyết pháp cho hoàng thái hậu, hoàng hậu, các thái tử, công chúa và văn võ bách quan nghe. Trên pháp tọa, pháp sư Tri Huyền tướng mạo đoan nghiêm, đẹp như một vị Phật sống; tiếng nói của người sang sảng lôi cuốn thính giả đi vào thế giới của diệu pháp một cách say mê. Vua Ý Tông rất đẹp lòng, truyền ban tặng cho pháp sư một áo cà sa màu tía. Từ đó danh tiếng của Tri Huyền càng thêm lừng lẫy. Lúc ấy ông đã được bốn mươi ba tuổi. Sau nhiều lần triệu thỉnh pháp sư Tri Huyền vào cung thuyết pháp, vua Ý Tông lạy tôn ông làm quốc sư và tứ cho Tri Huyền danh hiệu Ngộ Đạt, sửa soạn chùa An Quốc ở sát hoàng cung cho mỹ lệ và rước quốc sư Ngộ Đạt về trú trì tại đó để tiện việc lui tới thăm hỏi đạo mầu.

Danh tiếng của pháp sư Tri Huyền tức quốc sư Ngộ Đạt lên tới đỉnh cao nhất là vào mùa thu năm quốc sư vừa đúng bốn mươi lăm tuổi, khi vua Ý Tông ban sắc chỉ cho toàn quốc chọn người tới kinh đô để nghe Ngộ Đạt Quốc Sư giảng kinh Pháp Hoa. Năm ngàn chỗ ngồi được để dành cho hoàng gia và bách quan, khách tăng và sĩ phu toàn quốc. Dân chúng ở kinh đô nô nức đến nghe quốc sư giảng kinh, người nghe pháp đứng chật cả hàng trong hàng ngoài. Hàng chục ngàn người im lặng nghe tiếng giảng kinh sang sảng của quốc sư. Các buổi giảng kinh Pháp Hoa được kéo dài trong một tháng, và trong suốt thời gian ấy, vua Ý Tông không bỏ sót một buổi nào.

Hôm đó là ngày bế mạc khóa giảng Pháp Hoa. Nhân dịp này, vua Ý Tông định làm lễ dâng lên quốc sư một pháp tọa bằng gỗ trầm hương để pháp sư ngồi giảng buổi giảng cuối cùng. Pháp tọa đặt rất cao để cho đại chúng mấy mươi ngàn người được chiêm ngưỡng dung mạo của quốc sư. Hôm ấy nghi lễ thỉnh sư được cử hành thật long trọng. Sau khi làm lễ dâng pháp tọa trầm hương, vua Ý Tông đứng dậy cùng thỉnh quốc sư bước lên pháp tọa thì quần chúng Phật tử đều quỳ xuống làm lễ, có người cảm động đến rơi lệ. Buổi giảng kinh đó là một buổi giảng kinh mà suốt đời Ngộ Đạt sẽ không quên được. Buổi giảng kinh đó đã đánh dấu một biến chuyển lớn lao trong đời tu hành của Thích Tri Huyền. 

Ngồi trên một tảng đá dưới chân núi Cửu Lũng, vị du tăng nhớ lại lúc mình bước lên pháp tọa trầm hương, trong khi hàng chục ngàn người cúi rạp mình làm lễ, trong đó có vua Đường Ý Tông. Thấy mình là người tu hành mà đạt đến một địa vị cao tột trong nhân gian như thế, Ngộ Đạt trong một giây phút ngắn ngủi bỗng thấy một niềm tự hào dâng lên trong lòng. Quốc sư biết là tà niệm đã khởi, mặt đỏ bừng, liền ngồi xuống pháp tọa và nhiếp mình vào chánh niệm. Nhưng chậm mất rồi. Bỗng dưng, trong khoảng không có một vật gì nhỏ bé, nhỏ bằng một hạt cát, sáng trưng, bay xẹt xuống, trúng vào bắp đùi bên trái của quốc sư làm đau nhói tới xương tủy. Không chịu đựng nổi sự đau đớn tột cùng ấy, Ngộ Đạt buột miệng la lên một tiếng, hai tay ôm lấy bắp đùi bên trái. Vua Ý Tông lật đật đứng dậy, hô thị vệ dìu quốc sư xuống pháp tọa. Buổi giảng kinh cuối cùng như vậy là bị bãi bỏ, quốc sư hình như đã bị một loài rết độc cắn nhằm bắp đùi, đang lên cơn sốt.

Ngộ Đạt biết mình không hề bị rết cắn, cái hạt bụi sáng loáng ấy đã từ trên không gian bay xuống nhanh như một làn chớp, không làm thủng áo cà sa mà lại chui thẳng vào bắp đùi của mình. Song ông im lặng không nói, mặc cho các quan ngự y giải thích. Bắt đầu từ đấy vết thương trên bắp chân quốc sư làm độc. Vết thương sưng tím căng phồng lên như một trái bưởi, đau nhức khôn cùng. Mười ngày sau ung nhọt khổng lồ nứt nẻ ra thành một mụt ghẻ lớn, máu mủ chảy ra hàng bát, mỗi ngày nhiều bận. Thuốc thang trong uống ngoài thoa do các ngự y đưa tới có tới hàng ngàn thứ mà không thứ nào chữa trị được cho quốc sư. Vua Ý Tông không ngớt ra vào thăm hỏi và ra lệnh triệu thêm thầy hay, tìm thêm thuốc giỏi đem về kinh chữa trị cho vị cao tăng của cả triều đình. Nhưng một năm trời đã qua đi mà ung nhọt kia vẫn không xẹp. Thân thể quốc sư gầy ốm trông thấy và một lần nọ ngự giá đến chùa An Quốc thăm, vua Ý Tông đã thấy một giọt nước mắt long lanh trên mi quốc sư.

Vào một buổi khuya sau khi đã trằn trọc hàng canh trên giường, quốc sư Ngộ Đạt quyết định bỏ chùa An Quốc ra đi. Một năm trời nằm trong ngôi quốc tự để cho bao người phục vụ và hầu hạ, không làm nên được tích sự gì cho quốc gia, Ngộ Đạt cảm thấy trong lòng bất an và hổ thẹn. Đỉnh danh vọng đã lên cao chót vót, hồi tủi nhục bây giờ cũng đã xuống đến nơi thăm thẳm sâu. Quốc sư bỏ chùa lén ra đi ngay trong buổi khuya đêm ấy, trên thân hình chỉ có một chiếc áo tràng và trên tay một chiếc tích trượng vua ban. Bắp chân đau nhức, nhưng quốc sư đã gắng đi suốt đêm. Ra khỏi kinh đô thì trời vừa hé sáng. Thấy một khúc tre ai bỏ bên đường, quốc sư cúi xuống nhặt lên làm gậy chống đi, và khi qua cầu, ông đã ném chiếc tích trượng vua ban xuống dòng sông chảy xiết. Tích trượng trôi trở về kinh đô, còn quốc sư thì hướng về phía núi xanh cất bước.

Trưa hôm ấy đi ngang một cảnh chợ quê quốc sư được một người đàn bà dâng cúng hai trái chuối và một gói xôi. Sợ ăn xôi thì mụt ghẻ căng thêm mủ nên quốc sư từ chối gói xôi, chỉ nhận hai trái chuối. Ngồi trên một mô đất, quốc sư lấy bùn đất trát vào mặt cho lem luốc kẻo sợ có người nhận diện được mình. Chưa biết sẽ đi về đâu thì bỗng nhiên trong trí quốc sư hình ảnh Kaniska, vị du tăng Ấn Độ, hiện đến như một tia chớp giật. Quốc sư nhớ lại những điều căn dặn của vị tăng sĩ gốc Ấn: "Trong vòng mười bốn hay mười lăm năm nữa, thế nào thầy cũng bị tai nạn. Lúc ấy hãy tìm đến tôi, tôi sẽ giúp thầy... Cứ tìm đến núi Cửu Lũng ở Bành Thành đất Tây Thục..." Lập tức quốc sư chống gậy đứng dậy và hỏi đường về đất Thục. 

Ngày đi đêm nghỉ, quốc sư quyết tìm đến núi Cửu Lũng, dù mụt ghẻ hành hạ không thôi. Máu mủ làm ướt sũng ống quần, nhưng quốc sư không có quần khác để thay. Máu mủ đã làm cho ống quần của Quốc Sư dày cộm như mo và một mùi tanh hôi xông lên nồng nặc, nhưng quốc sư vẫn cố gắng chịu đựng. Chiếc áo tràng cũng dính đầy máu mủ, cả vạt trước lẫn vạt sau. Chiếc áo tràng sau nhiều tháng du hành đã trở nên bạc thếch và dính đầy bụi đường. Mỗi buổi chiều, lúc nghỉ chân trên một rễ cây hay một tảng đá, quốc sư thường vén ống quần nhìn vào mụt ghẻ. Mụt ghẻ vẫn lớn như một trái bưởi to, có bốn lỗ đỏ choét: hai lỗ phía dưới gần đầu gối giống như một cặp mắt, lỗ giữa giống một cái mũi và lỗ phía trên bắp chân loét ra như một cái miệng. Quốc sư nhìn mụt ghẻ như nhìn vào một mặt người. Quốc sư đối diện với mụt ghẻ như đối diện với một khuôn mặt con người. Có khi mụt ghẻ như muốn trợn mắt mắm môi đe dọa quốc sư. Mụt ghẻ nhìn quốc sư như một kẻ thù, và quốc sư nhìn mụt ghẻ như một khuôn mặt oan gia, đau xót thì có nhưng oán hận thì không. Quốc sư không nghĩ đến chuyện lấy nước dưới sông rửa cho mụt ghẻ. Trong một năm trời, người ta đã rửa mụt ghẻ bằng đủ thứ thuốc, mà mụt ghẻ có vì thế mà xẹp hơn hoặc sạch hơn được chút nào đâu. Trên đường tìm đến xứ Thục, đã nhiều lần quốc sư được nghỉ ngơi ban đêm trước những mái tam quan, nhưng không ai nhận ra được quốc sư, bởi vì nhan sắc của quốc sư tiều tụy, áo quần của quốc sư thốc thếch, hôi hám... Ngày hôm kia, một chú tiểu chùa Pháp Vân đã săn sóc cho quốc sư một cách ân cần, cảm động. Chú đã đem nước nóng cho quốc sư rửa mặt và cháo trắng cho quốc sư lót dạ. Bây giờ quốc sư đã tới được chân núi Cửu Lũng. 

Vị du tăng, chính là quốc sư Ngộ Đạt - giật mình. Có tiếng suối róc rách đâu đây. Bỗng nhiên lời dặn của Kaniska lại vang lên trong trí tưởng: "Từ dưới chân núi nhìn lên, thấy chỗ nào có hai cây tùng vươn lên cao ngất, thì đó là nơi tôi ở..." Ngộ Đạt đưa mắt nhìn lên. Lạ chưa, chót vót bên phía trái, mây mù đã loãng dần và hình ảnh của hai cây tùng hùng vĩ lộ ra, vươn thẳng dậy, ngọn tùng vẫn còn khuất trong mây. Đích đó là nơi hẹn! Ngộ Đạt cầm lấy chiếc gậy trúc, từng bước, từng bước, ông tìm thế leo lên phía núi có dáng song tùng.

----------------------------

Sau một thời gian vừa lết vừa trèo, Ngô Đạt thấy thấp thoáng sau cành lá xanh rờn cung vàng điện ngọc của một ngôi phạm vũ trang nghiêm. Có tiếng chuông gió thanh cao như tiếng gió lay động cây thất bảo mô tả trong kinh Vô Lượng Thọ. Có tiếng chim lạ, hoặc chính là tiếng Ca Lăng Tần Già. Lên tới tam quan chùa, Ngộ Đạt gặp một chú tiểu. Hỏi thì biết đấy đích thực là phạm vũ nơi cư trú của tôn giả Kaniska. Chú tiểu vào thông báo và tôn giả Kaniska thân hành ra cổng nghênh tiếp. Kaniska rạng rỡ như một vị bồ tát khiến quốc sư Ngộ Đạt sụp xuống lạy. Tôn giả đỡ quốc sư dậy, và dìu quốc sư vào khách đường.

Sau một tuần trà mà hương thơm làm cho tỉnh táo cả giấc mộng mười lăm năm trường, Kaniska hỏi thăm về quốc sự. Quốc sư Ngộ Đạt tuy đã bốn mươi sáu, vẫn còn thấy tủi thân như một đứa bé con, khi nghe người tri kỷ hỏi đến thân phận mình. Quốc sư kể lại cuộc đời mười mấy năm của mình với thật nhiều chi tiết. Tôn giả lắng tai nghe rất chăm chú, không hề ngắt lời bạn, thỉnh thoảng lại thở dài, tỏ ý thương xót. Nghe xong, tôn giả xin xem mụt ghẻ. Ngộ Đạt đứng dậy vén ống quần cho bạn xem. Mụt ghẻ như trừng mắt nhìn cả hai người. Tôn giả gật đầu bảo quốc sư buông ống quần xuống, rồi nói:

-- Không sao, dưới chân núi có một dòng suối tên là Giải Oan Tuyền, có thần lực chữa được bệnh này. Tri kỷ ngủ lại đây; sáng mai chúng ta xuống suối, tôi sẽ vốc nước suối rửa cho tri kỷ. Mụt ghẻ sẽ lành. Không có gì đáng ngại. Chỉ cần vốc nước rửa hai lần là bệnh của tri kỷ sẽ lành hẳn.

Nói xong tôn giả đi vào. Lát sau tự tay mang ra một chậu nước ấm, một chiếc khăn và một nắm muối, cười và nói:

-- Tri kỷ đã từng rửa ghẻ cho tôi suốt hai năm trời; bây giờ, trước khi tri kỷ được nhờ nước suối giải oan lành bệnh, tôi xin phép được rửa ghẻ cho người lần cuối cùng.

Ngộ Đạt toan mở lời từ chối, nhưng ngước nhìn cố nhân, ông biết không thể nào ngăn được, bèn im lặng đưa chân cho tôn giả rửa. Một chân quỳ xuống, một chân dẫm trên đất, tôn giả nghiêng người cẩn trọng rửa mụt ghẻ cho Ngộ Đạt. Bàn tay của tôn giả đi tới đâu thì thịt da Ngộ Đạt êm dịu tới đó. Chỉ có nước muối và một cái khăn thôi mà tôn giả đã làm dịu đi bao nhiêu đau đớn của sáu tháng đường trường. Vị quốc sư trẻ nhìn bạn rửa ghẻ cho mình một cách kính cẩn mà không biết mắt mình đã nhòa lệ. Kaniska rửa xong mụt ghẻ thì bưng chậu nước vào. Lát sau ông mang ra một chậu nước khác và một tấm khăn khác. Ông cởi áo cho Ngộ Đạt và lau tắm cho quốc sư. Rồi ông lại lau tắm cả phần dưới thân hình Ngộ Đạt. Không dám lên tiếng cản ngăn, quốc sư phải để cho bạn tắm rửa từ trên xuống dưới, ngoan ngoãn như một chú bé. Lau tắm xong, tôn giả vào lấy ra cho Ngộ Đạt một bộ quần áo sạch của chính mình, và khởi sự mặc vào cho bạn. Bộ quần áo nhẹ, thơm ngát trầm hương.

Tối hôm ấy, Ngộ Đạt được ăn cháo trắng do tôn giả Kaniska tự tay nấu lấy mời bạn. Ăn xong, ông được tôn giả đưa vào một liêu phòng có giường chiếu sạch sẽ thơm tho. Tôn giả chúc ông yên giấc và hẹn ngày mai, sau khi uống trà, sẽ cùng nhau xuống suối.

Buổi khuya, khi tiếng chuông chùa đầu tiên ngân lên thì Ngộ Đạt thấy mình không còn chờ đợi được nữa. Cả đêm mụt ghẻ lại hành hạ ông đau nhức như chưa bao giờ ông biết đau nhức là gì. Đợi cho đến sáng thì lâu quá. Quốc sư bèn quyết định mở cửa xuống núi một mình. “Chiều qua ta có nghe tiếng suối róc rách khi ngồi nghỉ dưới chân núi”, quốc sư thầm nghĩ. Trời còn đầy sương nhưng Ngộ Đạt vẫn tìm thấy được con đường mòn đi xuống núi. Đi một hồi lâu thì ông lại nghe được tiếng suối róc rách. Sau đó ông đã tìm tới bờ suối.

Quỳ trên một tảng đá, ông xắn ống quần bên trái cho mụt ghẻ lộ ra. Ông thở những hơi thở thật dài, thật nhẹ và nhiếp tâm quán niệm. Đây là giòng Giải Oan Tuyền mà nước có thần lực chữa được chứng bệnh của mình. Ông tin tưởng nơi lời nói của tôn giả Kaniska. Ông niệm Phật rồi cúi xuống vốc nước trong lòng hai bàn tay để phả xuống mụt ghẻ mặt người. Nước suối tê cóng hai tay. Run run, ông làm chảy đổ hết một nửa vốc nước ra ngoài; chỉ còn có một ít nước phả trúng vào mụt ghẻ. Nhưng từng ấy nước phả vào mụt ghẻ cũng đủ làm đau nhức tận đến xương tủy, khiến ông ngã ra bất tỉnh trên bờ suối. Trong cơn mê ông thấy một khuôn mặt đỏ tía, râu ria dựng ngược; khuôn mặt nhìn thẳng vào ông, hỏi:

-- Ngươi là người học nhiều, hiểu rộng, vậy đã từng đọc sách Tây Hán Thư chưa?

Ngộ Đạt quá đỗi ngạc nhiên, nhưng vẫn gật đầu đáp:

-- Tôi có đọc.

-- Có đọc Tây Hán Thư chắc ngươi còn nhớ vụ án Viên Án và Triệu Thố chứ? Viên Án dèm pha thế nào mà khiến cho Triệu Thố phải bị chém ngang hông ở chợ Đông, ngươi có biết không? Chao ôi! Oan ức biết chừng nào. Ngươi có biết kiếp trước chính ngươi là Viên Án và ta chính là Triệu Thố hay không? Ta bị ngươi giết oan, nên đời đời đã tìm ngươi để báo oán. Tuy nhiên trong mười kiếp liên tiếp, ngươi làm cao tăng, giới luật nghiêm tịnh, do đó ta không thể nào tìm được cơ hội trả thù. Nhân trong kiếp này, ngươi được hưởng sự đãi ngộ của vua mà sinh tâm kiêu xa hao tổn đến âm đức, cho nên ta mới có cơ xen vào làm hại ngươi được. Chính ta là mụt ghẻ của ngươi. Chính ta là oan gia của ngươi đó.

Quốc sư nhìn kỹ mặt người đối diện, kinh hãi, toàn thân toát mồ hôi hột. Ông định mở miệng lên tiếng nói một điều gì, nhưng cuối cùng không tìm ra được một lời nào cho nên lại thôi. Ông thấy khuôn mặt đối diện đỏ tía kia bỗng nhiên dịu lại. Người ấy nói giọng hòa dịu hơn trước:

-- Thôi ngươi khỏi cần nói năng chi ca. Trong bao nhiêu kiếp, ta đã đau khổ vì mối oan cừu, và chính mối oan cừu đó đã dìm mãi ta vào cõi u minh dày đặc. Nay nhờ có tôn giả Kaniska đem nước tam muội từ bi mà rửa cho ta, mối oan cừu này từ đây sẽ được cởi bỏ. Ta sẽ không còn theo ngươi để mà báo oán nữa. Phần ngươi nhờ có phước báo lớn, cho nên ngươi mới gặp được tôn giả Kaniska, được tôn giả đưa tới suối giải oan này mà rửa sạch nghiệp xưa. Thôi từ nay về sau giữa chúng ta không còn ai nợ ai nữa nhé. Hãy vốc nước lên mà rửa thêm một lần thứ hai nữa, mau lên!

Ngộ Đạt bừng tỉnh choàng dậy. Ông lại quỳ xuống trên tảng đá bên bờ suối, cúi xuống vốc đầy nước suối trong hai tay, phả vào mụt ghẻ, gây đau nhức gấp bội lần trước. Đau thấu cả tim can, ông lại ngã ra bất tỉnh lần nữa trên bờ suối. Nhưng trong cơn mê lần này Ngộ Đạt không thấy khuôn mặt đỏ tía kia nữa. Ông cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, an ổn. Ông mơ thấy mình đang đi trong một khu rừng rậm một cách nhẹ nhàng, nhẹ nhàng như có cánh bay, nhẹ nhàng như một con bướm liệng trên đám cỏ. Ông thấy ông là một đứa trẻ đang chạy chơi trên cánh đồng mùa xuân, hoa tím hoa vàng nở đầy trên cỏ biếc. Ông thấy ông bơi ngửa trên một dòng sông hai mắt theo dõi mây trời xanh ngắt. Ông thấy ông là một đứa trẻ mặc áo mùa xuân, chạy chơi trên một khu đồi tuyết phủ. Trời lạnh, ông chạy vào nhà, đưa hai tay sưởi ấm trên ngọn lửa hồng, bên phải là bà ngoại ông đang khâu vá, bên trái là mẫu thân ông đang nhìn ông âu yếm. Lửa ấm quá, ông không còn có ý muốn chạy ra ngoài trời lạnh nữa. Bỗng tiếng vượn kêu gần đấy làm ông giật mình thức dậy. Nhìn quanh, ông thấy mình đang nằm bên bờ suối, tiếng chim chóc ca hát vang cả núi rừng. Nắng đã lên tự bao giờ đang sưởi ấm mọi vật. Ngộ Đạt cảm thấy ấm áp, nhẹ nhàng, khoan khoái. Ông choàng dậy, vạch quần nhìn xuống bắp chân. Mụt ghẻ đã héo mặt, bắt đầu đâm da non. Mụt ghẻ đã lành.

Ngộ Đạt đứng dậy. Ông cảm thấy người đầy sinh lực, không cần cây gậy trúc nữa. Ông nhìn quanh tìm con đường mòn để trở lên chùa tạ ơn tôn giả Ca-Nặc-Ca. Nhưng nhìn kỹ, ông chẳng thấy có con đường mòn nào cả. Lạ quá, chính mình sáng nay đã từ con đường ấy xuống bờ suối đây mà. Nhưng quả thực là không có con đường mòn nào cả. Xung quanh ông chỉ toàn là bụi cây và tảng đá. Ngộ Đạt nhận ra một tảng đá quen thuộc không xa chỗ mình đang đứng. Đó là tảng đá trên đó chiều qua khi tới chân núi ông đã ngồi nghỉ. Ông ngước nhìn lên núi. Mặt trời ấm áp đã xua hết sương mù. Nhưng cung vàng điện ngọc của ngôi pháp vũ ở đâu, ông đưa mắt tìm mãi mà không thấy. Hai cây tùng vươn cao đọt lấp trong mây mà hôm qua ông đã thấy rõ ràng, bây giờ cũng không còn dấu vết. Tất cả những gì ông đã thấy đã sống suốt một đêm qua bây giờ đã tan biến như một giấc mộng. Ông ngồi xuống trên một tảng đá, hồi tưởng lại những diễn biến của sự việc chiều qua, từ lúc nhận ra sự có mặt của hai cây tùng, cho đến lúc tìm ra ngôi phạm vũ, gặp mặt chú tiểu đồng và hội ngộ với tôn giả Ca-Nặc-Ca. Rồi đến tuần trà, rồi đến mình được tôn giả rửa ghẻ, cho mặc một bộ quần áo nhẹ, sạch, ngát hương trầm. Ngộ Đạt nhìn lại bộ áo quần mình đang mặc. Đó vẫn là bộ áo quần mang theo sáu tháng nay từ chùa An Quốc. Ngộ Đạt thở dài, biết mối duyên kỳ ngộ tới đây đã mãn. Hướng về đỉnh Cửu Lũng, ông nghiêng mình cung kính làm lễ tôn giả Kaniska ba lần, lòng thổn thức và tràn đầy tiếc nuối. 


***
Viện Chủ Pháp Vân Tự là Thích Tâm Thể cùng với hai vị đệ tử tìm đến Thiền Tự Chí Đức vào một buổi trưa nắng đẹp. Chùa Chí Đức là một thảo am nhỏ ở chân núi Cửu Lũng, nhưng phong cảnh rất tú lệ. Chủ nhân là một vị tăng sĩ điềm đạm, tuổi trên bốn mươi, pháp hiệu là Tín Cổ, ra đón ba thầy trò chùa Pháp Vân tận ngoài cây cầu gỗ bắc qua dòng suối. Những cây tùng mà vị trú trì Chí Đức trồng quanh am thuộc loại những cây tùng không rậm rạp nhưng thân cây vươn cao, thẳng tắp. Cây nào cây ấy đã lên tới mấy mươi thước, xanh tươi, hùng vĩ. Từ lâu viện chủ Thích Tâm Thể đã nghe nói có một am mây tại núi Cửu Lũng vốn không xa thiền viện Pháp Vân, và mong có dịp đến viếng ngọn núi danh tiếng, nhưng mãi đến bây giờ nguyện ước mới thành tựu. Nay được đặt chân tới chốn phong cảnh kỳ thú này, ông cảm thấy rất hài lòng. Ông đưa mắt nhìn ngọn núi hùng vĩ, đỉnh lấp trong sương mù; ngắm nhìn những thân tùng vươn thẳng lên không gian, nhìn ngôi am tự duyên dáng nấp sau cành lá và gật đầu tán thưởng.

Ngôi khách chủ vừa phân, thì trà được tiểu đồng mang lên. Tuần trà chưa cạn, khách nhận thấy trên án thư một cuốn kinh đang được chủ nhân chép dở nửa chừng. Nét bút linh hoạt. Viện chủ Tâm Thể xin phép cầm lên xem thì thấy ngoài bìa kinh có năm chữ Từ Bi Thủy Sám Pháp. Người đặt kinh xuống toan hỏi thì trú trì bản am đã nói:

-- Đây là một thứ nghi thức sám hối mà thầy tôi biên soạn. Sám pháp này chưa được lưu hành trong nhân gian, bởi lẽ đây là bản chép đầu tiên.

Viện chủ Tâm Thể hỏi, mắt không rời cuốn kinh:

-- Có phải lệnh sư là người khai sơn chùa Chí Đức? Chẳng hay danh hiệu của người là gì, đại đức có thể cho chúng tôi biết được không?

Trú trì Tín Cổ nhỏ nhẹ:

-- Vâng, chùa Chí Đức là do thầy tôi khai sơn. Thầy tôi tới dựng am tại đây để an cư tu hành vào khoảng bốn mươi năm về trước. Trong thời gian Thầy còn tại thế, am này không có danh hiệu. Chỉ sau khi thầy tôi viên tịch, cảm ân đức sâu dầy của thầy, tôi mới đặt tên thảo am này là Chí Đức Thiền Tự. Ngày thầy tôi tới đây, quanh miền chưa có nhà cửa xóm làng chi hết. Nhiều năm sau khi thầy tôi dựng am mới có mấy gia đình tiều phu tới chân núi này lập nghiệp.

Viện chủ Pháp Vân hỏi thêm:

-- Ngày lệnh sư đến đây khai sơn lập am, chắc đại đức cũng đã tới một lần với người?

Trú trì Tín Cổ lắc đầu:

-- Không, thầy tôi tới núi Cửu Lũng một mình. Tôi là con trai của một người tiều phu đến lập nghiệp tại chân núi này, có duyên may được thầy tôi thu nhận làm đệ tử, hồi tôi mới có bảy tuổi, không biết chữ nghĩa gì hết. Tất cả chữ nghĩa và Phật Pháp của tôi là hoàn toàn do thầy tôi truyền dạy. Thầy tôi khen tôi viết chữ tốt nhưng tôi thấy chữ của thầy tôi mới thật là chữ có thần.

Nói xong, trú trì Tín Cổ nhắc một tập sách trên án thư trao cho Viện Chủ Pháp Vân. Đỡ lấy tập sách, viện chủ Pháp Vân nhận ra đó là bản chính của Từ Bi Thủy Sám Pháp. Hẳn đây là bản chính do tự tay soạn giả viết ra. Viện chủ Pháp Vân thấy nét chữ tung hoành diễm lệ như một đoàn phụng hoàng đang bay múa. Ông tắc lưỡi buột miệng khen:

-- Chữ viết đẹp thật,đẹp thật.

Rồi ngẩng lên, ông hỏi trú trì Tín Cổ:

-- Tôi tin Sám Pháp này là một sáng tác rất quý báu. Tại sao đại đức không nêu cao-danh của lệnh sư vào trang đầu để lưu truyền hậu thế? Trú trì Tín Cổ chậm rãi nói:

-- Thầy tôi không muốn ghi tên mình trên sách. Đã ẩn tích mai danh, không còn muốn cho người đời nay biết đến thì còn ghi tên mình lại cho người đời sau biết để làm gì?

Im lặng một lát, rồi vị trú trì chùa Chí Đức nói trầm ngâm:

-- Ngày thầy tôi mới đến đây, cảnh trí xung quanh thật là hoang vu. Chính thầy tôi tự tay lập am, khai phá, trồng khoai, trỉa đậu và gieo lúa... Từ thuở nhỏ, thầy tôi đâu có biết làm những việc đó. Ngày mới đến, ngồi bên bờ suối, bắp chân đau nhức, thầy tôi kiệt lực, tưởng không còn sống được...

Trong khi vị trú trì chùa Chí Đức nói thì hình bóng vị du tăng bốn mươi năm về trước từ từ hiện rõ trong ký ức của vị viện chủ chùa Pháp Vân. Phải, hồi đó viện chủ là chú tiểu Tâm Thể, mới mười sáu tuổi. Nét mặt đoan nghiêm ấy, phong thái uy nghi ấy, chiếc áo bạc nầu ấy và cái mùi tanh tưởi ấy... Thì ra vị du tăng ngủ dưới mái tam quan ngày xưa chính là người đã khai sơn chùa Chí Đức này. Viện chủ Pháp Vân đứng dậy chắp tay thành kính nói:

-- Bạch đại đức, lệnh sư đã từng ghé thiểm tự và tá túc một đêm, cách đây bốn mươi năm về trước. Chính bần tăng đã được hân hạnh múc nước cho người rửa mặt và dâng cháo cho người đỡ dạ. Đối với Chí Đức, Pháp Vân tuy cách nửa ngày đường nhưng là ngôi chùa gần gũi nhất, do đó chúng ta còn có nhiều dịp qua lại cùng nhau. Xin đại đức niệm tình xưa mà cho bần đạo biết cao danh của lệnh sư, người mà bần đạo đã đem lòng quý mến từ ngày gặp gỡ.

Thấy dáng điệu viện chủ Pháp Vân trang trọng và khẩn thiết, trú trì Tín Cổ vội đứng dậy chắp tay thi lễ, đáp:

-- Xin viện chủ an tọa, đừng lễ nghi quá mà chúng tôi thất đức, tội nghiệp. Chúng tôi sẽ không dám giấu giếm Ngài. Trời đã chiều, đêm nay thế nào viện chủ cũng phải ngủ lại thảo am Chí Đức. Chúng ta sẽ đốt nến nói chuyện. Tôi sẽ kể cho viện chủ nghe hết câu chuyện của thầy tôi, vâng, chúng tôi sẽ không dám giấu giếm điều gì.

Đêm đã khuya, nhưng trú trì Chí Đức và viện chủ Pháp Vân vẫn còn thức. Hai ngọn bạch lạp yên lặng cháy trên án thư. Các vị đệ tử đã đi nghỉ từ lâu. Rừng núi bên ngoài yên lặng quá. Sau khi kể cho viện chủ Pháp Vân nghe về cuộc đời của quốc sư Ngộ Đạt từ khi gặp gỡ tôn giả Kaniska lần đầu cho đến khi vốc nước rửa lành mụt ghẻ bên dòng Giải Oan, trú trì Tín Cổ đằng hắng một tiếng lấy giọng và tiếp:

-- Cảm ơn đức sâu dày của tôn giả Ca Nặc Ca, thầy tôi từ đấy nguyện ở lại núi Cửu Lũng để an cư hành đạo. Người bẻ cây che thành một túp lều trú ngụ ngay tại nơi này. Rồi người đi tìm rau, hái quả, ăn rau trái và uống nước suối để tu hành. Kiến thức Phật Pháp bây giờ không còn dùng để luận kinh giảng đạo nữa, mà để tham thiền đạt ngộ. Dần dần, gặp gỡ một vài người tiều phu vào núi kiếm củi, thầy tôi xin được hạt giống rau đậu, một cây rựa chặt củi và một lưỡi cuốc xới đất. Thầy tôi sống như vậy mà an lạc gấp ngàn lần hồi còn làm quốc sư tại kinh đô. Sau khi được thầy tôi chấp nhận làm đệ tử, tôi đã ra công phát triển khá rộng khu vườn quanh am, và từ đó hai thầy trò không còn thiếu thốn thực phẩm nữa. Thì giờ rảnh rang, tôi đi đốn củi và nhờ gia đệ gánh về chợ bán, lấy tiền mua giấy bút để bắt đầu học tập. Thầy tôi từ khi có giấy bút cũng bắt đầu trước thuật... Người viết ra nhiều tác phẩm, nhưng Từ Bi Thủy Sám Pháp là tác phẩm người viết ra sớm nhất. Sám Pháp này sở dĩ lấy tên là Từ Bi Thủy đó cũng vì thầy tôi nhớ lại nước suối từ bi mầu nhiệm của tôn giả Ca Nặc Ca đã rửa sạch oán thù, giải được mối oan kết cho người. Thầy tôi hành trì Sám Pháp này trong nhiều mùa kiết hạ. Thầy tôi dặn tôi nhiều lần:

-- Tu học là để giải thoát chớ không phải để tìm cầu danh lợi. Tôi hiểu lời giáo huấn đó, bởi vì tôi được thầy tôi kể cho tôi nghe về những chuyển biến trong cuộc đời của Ngài. Thầy tôi còn dặn đừng tiết lộ chuyện này cho ai biết. Đáng lý ra, tôi phải vâng lời thầy tôi. Nhưng đêm nay, tôi thấy tôi không thể nào giữ được câu chuyện to lớn đó cho một mình tôi. Tôi thấy tôi không đủ sức. Tôi không hiểu tại vì sao. Có lẽ vì viện chủ là một người đã từng được gặp gỡ thầy tôi, và như vậy, đối với tôi, ngài là một người tri kỷ. Ngồi trước viện chủ tôi có cảm tưởng gần gũi thầy tôi. Kể cho viện chủ nghe rồi, tôi có cảm tưởng tôi sẽ không có nhu cầu kể cho một người thứ hai nào nghe nữa. Bây giờ, sau khi đã cho viện chủ biết hành trạng của thầy tôi, tôi thấy nhẹ hẳn người. Thôi đêm đã quá khuya, tôi xin đưa viện chủ vào liêu phòng an nghỉ. Tôi đã sắp sẵn chiếu mền. Sáng mai, tôi sẽ đưa viện chủ đi viếng tháp thầy tôi và sẽ trình viện chủ những tác phẩm mà người để lại.

Nằm trên giường, viện chủ chùa Pháp Vân thao thức không ngủ. Ngoài kia chắc sương phủ hết miền thung lũng núi Cửu Lũng. Các loài cầm thú trong rừng có ngủ không, mà sự im lặng của núi rừng có vẻ linh hoạt thế này? Bốn mươi năm là nhiều hay ít? Bốn mươi năm qua ta đã làm gì? Học Phật, chấp tác, ngồi thiền, giảng kinh, thuyết pháp. Từ một chú tiểu mười sáu ta đã lớn lên, vượt tiến, để bây giờ làm viện chủ một thiền viện. Bốn mươi năm bó chân, để cho sự việc ở chân núi Cửu Lũng đi qua như nước chảy dưới cầu. Đột nhiên chú tiểu Tâm Thể sống dậy, hai mắt ướt đẫm. Mình đã có duyên mang chậu nước nóng cho quốc sư, nhưng mình đã không có duyên rửa ghẻ cho quốc sư như tôn giả Ca Nặc Ca. Đột nhiên chú tiểu Tâm Thể không muốn làm viện chủ nữa. Đột nhiên chú tiểu Tâm Thể không muốn bị ràng buộc trong những giao tiếp phiền toái “bạch đại đức, thưa viện chủ, khải hòa thượng...” nữa . Làm viện chủ thì lấy đâu cơ hội trồng rau, trỉa bắp, đốn củi và đi du hành kịp thời đến chân núi Cửu Lũng. Núi Cửu Lũng nào đâu có xa xôi gì đâu, chỉ nửa ngày đường. Ấy thế mà phải đợi bốn mươi năm mới tìm tới được. Chậm quá còn gì. Họa chăng có tiếng suối thầm thì. Viện chủ Pháp Vân, à không, chú tiểu Tâm Thể lắng tai, cố ý nghe. Quả có tiếng suối róc rách, càng lúc càng nhỏ, càng lúc càng mờ ảo. Và trong cơn mơ, chú thấy hai cây tùng vươn cao, hùng vĩ trên sườn núi Cửu Lũng, đọt tùng lẫn khuất trong mây. Hai cây Sequoia Semperirens cao ngất tầng không.
_________________________

(1) Chỉ tại thử sơn trung, vân thâm bất tri xứ. Thơ của Giả Đảo 

Không có nhận xét nào: