(Viết tặng Th. Tâm Quang)
Đánh cờ tướng là một trò tiêu khiển thú vị lắm. Dàn binh bố trận, đưa quân mình sang xâm lấn nước người, đánh cho tan tác đội ngũ của đối phương, đánh cho tướng địch phải chắp tay đầu hàng. Vừa công vừa thủ, tiền quân hậu quân phối hợp chặt chẽ, chặn đánh quân thù trên từng tấc đất. Lúc thì xe pháo công thành, khi thì tốt ngựa bắt tướng; lúc thì thương tiếc quân sĩ, bảo vệ cả con tốt mọn, khi thì thí mạng bỏ cả xe tượng để giữ lấy chủ soái tối cao. Chẳng lúc nào là không thú vị...
Nhưng thú nhất là khi thắng. Vì thắng thì có thể vỗ đùi đánh đét một cái để tự ban thưởng sách lược chinh đông chinh tây tài ba của mình. Ngoài ra, còn là để mục kích cái đau khổ của kẻ đại bại. Còn thua ư? Ồ, quê lắm. Hai khóe miệng tự nhiên chảy xệ xuống, không sao nhích lên nổi. Nhưng cũng phải ráng cười, vì không cười thì có vẻ như muốn mặc nhiên thừa nhận mình dở mà cũng là tự công nhận cái tài giỏi của thằng khỉ đối phương đáng ghét đang cười hí hửng ngay trước mặt. Nếu không cười gượng được thì cũng nói đôi lời vớt vát, chẳng hạn "tại tui sơ hở để chết mất con xe" hoặc, "tại tao lo tấn công quá nên quên thủ con tướng". Cười không nổi, nói không được, im lặng cũng chẳng xong thì chỉ có nước xách bàn cờ mà đập cho đối phương một trận. Anh rượt em, cha đuổi con có khi cũng chỉ vì thua một ván cờ (làm như thể đánh cờ với anh với cha thì phải làm bộ thua hoài vậy!). Sự thắng bại trong một bàn cờ có thể làm thay đổi nhiều thứ.
Tôi không phải là kẻ đánh cờ tướng chuyên nghiệp. Tôi chưa hề bỏ công để học cờ thế. Tôi biết đánh cờ, vậy thôi. Nhưng, có thể nói là do đánh cờ nhiều năm mà tôi có chút kinh nghiệm trong thế công cũng như thế thủ để bày được những ván cờ không mấy tệ. Đánh với kẻ cao tay thì dù thắng hay bại tôi cũng học được những nước hay; còn đánh với kẻ thấp cờ, tôi có được cơ hội để thí nghiệm những nước cờ táo bạo mà tôi chưa dám áp dụng với kẻ ngang cơ hay trên cơ mình. Nhưng trong suốt mười mấy năm, kể từ khi bắt đầu tập đánh cờ — lúc mười tuổi — chỉ có hai lần đấu cờ làm tôi nhớ đời. Hai lần đó đều là những bài học ý nghĩa và thú vị cho tôi. Những bài học này không nằm trong thế cờ mà nằm ở cái tâm. Đúng, cái tâm của người đánh cờ.
Lần thứ nhất xảy ra vào năm tôi hai mươi hai tuổi. Đối thủ của tôi — phải sòng phẳng mà gọi như vậy — là một vị Thượng tọa lãnh đạo giáo hội Phật giáo có tiếng tăm. Trong khi chờ đợi thầy tôi (đi vắng chưa về), ông bảo tôi bày cờ ra. Nghe danh ông, tôi đã thấy khớp rồi, nói chi dùng trí mà đấu với ông, dù chỉ là qua những quân cờ. Nhưng đánh thì cứ phải đánh. Trận địa, nếu không bày thì thôi, bày thì phải đánh và đánh thì phải đánh để thắng, không thể nương tay. Vài nước dọ dẫm, tôi lấy được tự tin rồi tấn công tới tấp. Quân tôi ồ ạt sang sông, bắt con tốt, chụp con xe, phá đại pháo, không chừa một mạng. Thành không cung trống, quân tôi ba mặt vây kín, bắt bí tướng già trong tướng phủ. Ông cười vang, khen rằng: "Khá lắm, khá lắm!" rồi bày ván khác. Tôi tự hỏi: "Sao lại có thể dễ dàng như vậy? Nghe nói ông là một trong các vua cờ mà... hay là ông thả mình ván đầu?" Nghĩ vậy, tôi dè dặt và bắt đầu lưu ý cách đánh của ông. Nước cờ của ông thật là kỳ quái. Mỗi con cờ mang cả sức mạnh của sự im lặng chịu đựng, con trước con sau hòa hợp nhịp nhàng trong một khối đồng nhất nhưng lại đa dạng, biến hóa. Ông dụng cờ trong thế thủ, nhưng thế thủ đó lại chính là thế công, chặt chẽ, kỳ bí, lúc ẩn lúc hiện, khi tấn khi thối, không nước nào mà không chứa đựng tiềm lực của sự chinh phục, cảm hóa. Thế đi của ông như nước chảy, như mây trôi, trong khi lối đánh của tôi như lửa chụp, như núi đổ. Chận bắt, phủ đầu, tôi đuổi theo ông như cọp vồ rồng. Ông ung dung tự tại đưa đi những quân cờ khoáng đạt, bao dung; tôi hùng hổ, háo thắng đẩy tới những tinh binh hung tợn. Và cuối cùng, tôi lại thắng; thắng một cách không ngờ; thắng trong sự ngỡ ngàng, kinh dị. Tôi muốn nhìn lại thế cờ tàn trước mặt nhưng ông đưa tay xóa đi và nói: "Khá lắm, con lại thắng thầy rồi!" Nhưng, không thấy có dấu hiệu gì trên nét mặt ông cho thấy ông bị thua hai ván. Mắt ông sáng lên và ông buông một tràng cười sảng khoái y như khi người ta vừa làm được một điều gì đắc ý trên đời. Tôi lui về phòng riêng mà thất thần, giao động. Không, tôi không thắng gì cả. Tôi như một đấu thủ quyền anh đấm vào hư không những cú đấm thôi sơn cực mạnh; và những cú đấm không có đối tượng đón nhận đó chỉ làm cho kẻ đấm thêm mệt nhọc, khó thở mà thôi. Không thể đón bắt được hư không; không thể thắng được sự tịch lặng bằng những âm thanh thịnh nộ; không thể chinh phục được cái không bao la bằng cái có nhỏ mọn. Và, không thể thắng được một cái tâm rỗng, sáng.
Tôi hầu như bỏ cờ tướng từ lúc đó. Nhưng bốn năm sau, ở trong tù, thời giờ rộng rãi, tôi bắt đầu đánh cờ lại cho khuây khỏa. Trong phòng giam hơn sáu mươi người, tôi không gặp tay cờ nào ngang sức. Tôi chịu khó đánh cờ với cả những người mới tập chơi và đôi khi tôi thua họ mà lòng tôi vẫn hững hờ như không. Một năm sau, tôi mới gặp được đối thủ của tôi. Và đây chính là lần đấu cờ thứ hai mà tôi nhớ mãi trong đời.
Ông ta ở vào tuổi bốn tám hay bốn chín (có người đoán là trên năm mươi), nhưng trông mặt thì còn trẻ lắm. Ông bị giam ở phòng 6, bị các bạn cùng phòng trùm mền đánh cho một trận vì tội làm ăng-ten, tức là tội làm công việc báo cáo mọi sinh hoạt của phòng giam cho cán bộ trại. Lá bài ăng-ten bị lộ ở phòng 6, ông được cán bộ chuyển qua phòng 7 chúng tôi. Sự liên lạc qua lại giữa phòng 6 và phòng 7 rất dễ dàng, vì vậy, phòng chúng tôi nhận ra nhanh chóng tín hiệu của một cây ăng-ten mới. Ông được đón chào và tiếp xử một cách không mấy thân thiện cũng vì lẽ đó. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra là kẻ khoe khoang, khoác lác ngay từ những ngày đầu mới nhập phòng nên được đặt cho biệt danh là ông Bô (cái miệng nói bô bô) chứ tên thật của ông là Dự. Ngoài biệt danh Bô, hai yếu tố khác làm nổi bật cá tính của ông là: thứ nhất, sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chức vụ thiếu tá, binh chủng không rõ ràng (lúc thì Thủy quân lục chiến, lúc thì Pháo binh, lúc thì Bộ binh, chẳng biết đâu mà mò); thứ hai, vô địch cờ tướng của trại giam B5, Biên Hòa. Ông có là vô địch cờ tướng củœa trại giam hay không thì phòng 7 này cũng chưa xác định được vì ông mới vào đây lần đầu; còn ông có là sĩ quan thứ thiệt hay không thì chỉ có cán bộ trại giam mới rõ mà thôi. Tôi thì nhận thấy mấy anh sĩ quan Cộng Hòa thực sự thì ít khi nào đi rao với bạn đồng phòng rằng mình là sĩ quan cả, trừ khi gặp kẻ tâm đầu ý hợp. Cho nên chuyện ông là sĩ quan này nọ, xuất thân từ đâu, chẳng làm tôi quan tâm lắm. Nhưng chính cái đại danh "vô địch cờ tướng của trại B5" đã cho tôi chút hứng thú để lưu ý tới ông ta. Một cái gì đó ngủ yên trong tôi bị đánh thức dậy.
Trong vòng mấy ngày đầu tiên vào phòng, ông Dự đã dọ hỏi ngay những ai là người cao cờ nhất phòng. Người ta nói chỉ có vài cao thủ thôi, trong đó có tôi. Ông đã tìm được đủ cơ hội để ra chiêu dằn mặt những cao thủ đó và cũng đã chứng tỏ cái chức vô địch cờ tướng của ông không phải là ngoa cho lắm. Nhưng ông và tôi vẫn chưa có dịp đấu cờ với nhau. Trong khi tôi đang đánh cờ với người khác, thỉnh thoảng ông đến gần, im lặng quan sát. Tôi chỉ ngang cờ với những kẻ thấp nhất mà ông chấp cả xe pháo ngựa — có lẽ đó là nhận xét của ông khiến ông chưa có ý rủ tôi đấu cờ. Những tay cao cờ ít khi chịu hạ mình hay tốn thì giờ để đánh với kẻ mới tập chơi vì làm như vậy sẽ hư nước cờ. Tuy vậy, những người trong phòng vẫn cứ thừa nhận tôi là một cao thủ. Điều này khiến cho nhà vô địch hiếu kỳ, háo hức muốn đọ trận với tôi. Tôi bắt được cái nôn nả, bồn chồn của ông trong nhiều ngày. Ông nghĩ là tôi sẽ như những tay chơi cờ khác: ước mong được tiếp cờ với một vô địch (để học hỏi thêm hoặc nếu may mắn, biết đâu lại đoạt giải vô địch), nên ông chịu khó chờ tôi. Nhưng phần tôi, tôi biết sẽ có lúc ông tự mở lời thách đấu với tôi. Và tôi cứ chờ đợi ông.
Cơ hội đó đến vào dịp Tết. Ông Dự đứng ngoài gà — mách nước — cho một đối thủ của tôi (đây là cách để dọ nước cờ của tôi mà chẳng thiệt thòi gì cho ông nếu lỡ thua). Tôi đánh thắng và ngay lúc đó, tôi muốn ông cắn câu, tôi đùa với đối thủ của mình, làm như không biết có ông đứng bên cạnh:
"Thấy chưa, nước đó thắng là thắng, dù có Đế Thiên Đế Thích xuống cũng gỡ không nổi nói chi người phàm!"
Nghe vậy ông chen vào, đẩy đối thủ của tôi sang bên, nói với giọng ra vẻ tự nhiên:
"Mày dở quá, để tao đánh thử với ông thầy này coi."
Rồi ông tự động sắp cờ, mắt chẳng nhìn tôi:
"Thử vài ván đầu năm nhé ông thầy?"
Tôi chỉ cười và sắp cờ. Ông tự ý bỏ một pháo một ngựa của ông ra ngoài, chấp tôi. Một sự khinh địch thái quá. Tôi nén bất bình. Tôi biết nếu tôi đánh cờ với một cái tâm đầy tự ái và tức giận, tôi sẽ không thắng được ai, tôi nói:
"Tôi nghĩ là chú chấp tôi thêm con xe nữa mới ngang cờ đó."
"Con xe nữa? Giỡn hoài, ông thầy cũng thuộc loại khá, tôi đâu dám bỏ xe. Hay là để thử vài ván rồi hãy tính, nhé!"
Trong phòng, người ta thấy ông đấu cờ với tôi liền tụ lại, xầm xì:
"Cao thủ gặp nhau rồi."
Nhiều người còn quảng cáo to hơn:
"Đến coi, đến coi! Kỳ phùng địch thủ. Tranh giải vô địch cờ tướng trại B5."
Nhờ trống pháo ngựa mà xe ông tiến nhanh, tấn công chớp nhoáng. Biết ông sở trường nơi cặp xe, tôi tập trung hai pháo hai ngựa của mình để hạ hai con xe của ông. Ông thua ván đầu, mất cả bình tĩnh. Ván kế tiếp ông cũng thua nốt, nóng nảy nói:
"Thôi đánh đồng đi, không chấp nữa!". Rồi ông lượm con pháo con ngựa ở ngoài vào. Hai ván kế tiếp đánh đồng mà ông vẫn cứ thua. Cả phòng giam la hét cổ võ tôi:
"Ông thầy hạ vô địch cờ tướng rồi!"
Ông tiếp tục sắp ván cờ khác nhưng đã đến giờ phát cơm, phải nghỉ. Ông miễn cưỡng rời bàn cờ để đi lãnh cơm. Bưng cơm đến chỗ tôi, vừa ăn ông vừa nói:
"Bữa nay tôi không được khỏe lắm. Hơn nữa tại tôi dễ ngươi, khinh địch nên thua. Chốc nữa ta lại bày ván khác nhé?"
"Đánh thì đánh. Mình rảnh rỗi mà, đánh cho đỡ buồn."
Tôi cười đáp ngay, không suy nghĩ, không từ chối. Ông đánh cờ rất hay, đánh với ông hào hứng lắm. Kể từ nhiều năm rồi, tôi ít khi nào thấy cao hứng với cờ tướng như khi được đánh với ông.
Thấy tôi đồng ý rồi, ông quay đi chỗ khác. Chờ ông đi rồi các bạn tù quanh tôi mới nói:
"Ông thầy đánh thẳng tay nghe, cho ổng biết mặt. Vô địch, hứ, kỳ này cho chừa cái tật nói trạng nói dóc."
"Phải cho hắn biết thế nào là phòng 7!"
"Ông thầy mà hạ được hắn dài dài thì phòng 7 mình đoạt chức vô địch B5 đó."
"Hạ rồi, hồi nãy hạ xính vính rồi!"
Tôi im lặng quan sát chính nỗi lòng mình. Cái háo thắng của tôi chưa chết. Cái tôi nhỏ mọn này đang có vẻ đắc ý với những thắng lợi tầm thường. Danh dự của tôi, danh dự của phòng 7, đó là cái gì nhỉ? Nhưng, trong ván cờ, không ai mong đợi sự bại trận. Đấu là để phân định sự cao thấp, thắng bại. Người ta chỉ có thể vui lòng thua trong một trận đấu mà chính mình cho phép và trường hợp này chỉ có thể xảy ra khi họ thương hay nhường nhịn đối thủ, hoặc coi đối thủ như một kẻ tầm thường không đáng để so tài. Nhưng đối với một đối thủ cao cơ, tự đại, sự cho phép đó có vẻ như bất khả. Tôi phải thắng, đó là ý muốn tự nhiên. Thắng được một kẻ vô địch khoác lác lúc nào cũng tự xưng mình bách chiến bách thắng là điều nên làm. Tôi hầu như quên mất mình là một tu sĩ.
Bàn cờ lại được bày ra. Sáu mươi mấy người trong phòng giam đều ủng hộ tôi, xúm xít quanh bàn cờ hoặc tụm năm tụm ba bàn tán, chờ đợi kết quả. Mọi sinh hoạt khác trong phòng giam đều trở nên thứ yếu. Tất cả đều như tập trung vào cuộc đọ sức ly kỳ trên bàn cờ. Ông Dự trở thành một chiến sĩ cô đơn, nhưng tôi có thể đọc thấy sự quyết tâm của ông hiện rõ trên nét mặt.
Phải công nhận là nước cờ của ông thật lão luyện. Không nước nào thừa, không nước nào lầm lỡ. Quân ông tiến nhanh như vũ bão giành thế chủ động. Quân cờ ông vùng vẫy ngang dọc như những hổ tướng tàn bạo, chém giết chẳng nương tay. Ông vây chặt cung cấm của tôi với sự phối hợp tinh diệu của các cánh quân lạnh lùng, vô cảm. Và tôi nhìn rõ, thật rõ, vẻ sắt máu dữ tợn trên những quân cờ màu đỏ của ông. Ông là một tay tinh tường về cờ thế. Vừa đánh ông vừa hô to tên những thế cờ y như người ta hô khẩu lệnh để điều binh ngoài trận địa. Điều này sẽ bất lợi cho ông nếu tôi cũng sành về cờ thế và binh pháp. Nhưng ông biết rõ tôi chẳng am tường gì về nó cả nên ông dùng nó để áp đảo tinh thần tôi, vừa để chứng tỏ ông đánh có bài bản, có kỹ thuật chứ không đánh một cách tài tử, lơ mơ như tôi. Tôi chẳng biết là tôi đã bày những thế trận gì. Có lẽ trong sách cờ thế không có tên gọi cho các nước cờ của tôi. Tùy theo thế công của ông mà tôi thủ, tùy theo chỗ hở của ông mà tôi phản công. Tôi đánh trong thế bị động, ứng biến. Cờ ông cao thì tôi cao theo, cờ ông thấp thì tôi thấp theo. Vì thế, cả ông lẫn tôi đều không ngờ là đôi lúc tôi lại có những nước cờ kỳ quặc, lạ lùng nhưng uyển chuyển và không kém phần bí hiểm. Tôi sực nhận ra rằng trước đây vị Thượng tọa kia đã từng đem cách đánh vô chiêu thức này để đánh với tôi. Sự khám phá đó làm tôi thích thú, hứng khởi. Nhưng chính cái hứng khởi này đã lấn áp ý niệm hơn thua trong tôi. Tôi rơi vào trạng thái mặc tình, tha hồ (nhậm vận — một thuật ngữ của Thiền học), bỏ mặc tất cả với một cõi lòng thênh thang, sảng khoái. Tôi thấy trước mắt mình, chính cái bàn cờ với những ô vuông ngăn chia hai cõi hai nước, một cánh đồng bát ngát mở ra dưới vòm trời cao xanh phảng phất những sợi mây trắng mỏng. Qua những cành lá xanh um của hai hàng cây chen bóng nghiêng ngã bên bờ sông tĩnh lặng, gió từ đâu kéo đến, đưa lên mùi hương ngai ngái êm nhẹ của ngàn hoa nội cỏ.
Tôi thua ván cờ đó. Cả phòng la ó, có ý trách tôi chểnh mảng. Họ nói, lý ra tôi phải thắng; từ thế thắng tôi đã rơi vào chỗ bại một cách vô lý.
Ván thứ hai cũng vậy, sắp thắng tôi lại thua. Ông Dự có vẻ đắc ý lắm nhưng vẫn chưa thỏa dạ. Ông hăm hở sắp ván khác rủ tôi đánh tiếp. Tôi từ chối. Anh trưởng phòng 7 kéo tôi lại một góc phòng, nói hành nói hẹ:
"Ông thầy thả hắn ta hả? Sao sắp thắng rồi lại thua? Ông thương hại hắn ta phải không? Làm ơn làm phước đánh đàng hoàng giùm tôi đi. Ông phải nhớ rằng danh dự phòng 7 đặt vào tay ông đó. Đánh lại đi."
Nhiều người khác cũng xúm lại, thúc đẩy tôi. Ai cũng nhắc đến danh dự của phòng 7. Tôi trở lại bàn cờ. Ông Dự vẫn còn ngồi đó như muốn tận hưởng niềm vui chiến thắng. Thấy tôi trở lại, ông hiểu ý ngay và sốt sắng sắp bàn cờ khác. Tôi im lặng ngồi xuống, cầm cờ. Lần này, tôi xua quân ào ạt, mũi tiến quân nhọc hoắc như dao găm, chọc thủng mọi thành trì, phá tan quân cấm vệ, xông vào bắt tướng. Một ván, hai ván, ba ván, rồi bốn ván, tôi đều thắng. Thắng vẻ vang. Thắng vì danh dự của phòng 7. Cả phòng reo hò tán thưởng, ca khúc khải hoàn. Ông Dự méo mặt đau khổ, rút về góc phòng. Tôi cũng im lặng rút về một góc. Tự nhiên thấy buồn.
Người ta thường nhân danh tập thể này để áp đảo, đánh bại tập thể khác. Nhưng thực ra, tập thể chỉ là một danh từ rỗng tuếch; nó chỉ là sự gá hợp gượng gạo của nhiều cái bản ngã nhỏ nhen. Những bản ngã nhỏ nhen này vì không chịu giam mình trong cái vỏ hạn hẹp, đã tự đồng hóa mình vào cái tập thể lớn hơn để thỏa mãn nhu cầu vùng vẫy chiếm hữu của chúng. Danh dự của một tập thể chỉ là danh dự của cá nhân phóng đại ra chứ không gì khác. Cho nên, khi chiến thắng hay thất bại, tập thể vẫn cứ là tập thể, chỉ có từng cá nhân riêng lẻ kia mới thọ nhận được hạnh phúc hay đau khổ mà thôi. Nỗi khát khao hay ước vọng của tôi nhân danh một tập thể vẫn cứ là khao khát hay ước vọng của tôi: một sự vươn dậy của bản ngã.
Tôi đến chỗ ông Dự, định nói đôi lời gì đó để an ủi ông. Nhưng khi đến rồi, tôi chẳng biết phải mở lời thế nào để ông khỏi hiểu lầm là tôi chọc tức, hoặc sự việc tôi đến chỉ là muốn được xác nhận thêm rằng tôi đã thắng từ chính miệng ông ta. Quả nhiên ông ấy nghĩ vậy. Ông không thèm ngó tôi. Tôi hối hận là đã bước đến chỗ ông dù là với thiện ý. Ông vẫn chưa chịu thua. Ông không tin rằng lối đánh cờ rừng rú của tôi lại có thể thắng được kỹ thuật tinh vi trường lớp của ông. Ông nói:
"Chưa đâu ông thầy ạ. Ông tưởng rằng qua mấy ván cờ đó ông có thể được coi là thắng tôi sao? Chỉ tại tôi chưa quen cái lối đánh lung tung không có chủ đích, không hợp binh pháp của ông mà thôi. Đánh cờ nhiều năm hẳn ông phải biết rằng khi người ta đã quen thuộc nước cờ của nhau rồi thì sự thế sẽ diễn ra trong một kết cuộc khác hơn chứ, phải không? Hơn nữa, sau lưng ông có mấy chục người ủng hộ, cổ võ, áp đảo tinh thần tôi."
"Dạ đúng, tôi đến đây để nói với chú cái ý đó. Rằng..."
"Không, không phải vậy. Ông đến đây để được nghe những lời ca ngợi của tôi đấy thôi."
"Chú Dự à, chú hiểu lầm rồi."
"Ông đừng nói nữa. Tôi nói ông nghe này, có ngon thì tối nay đánh ba ván nữa. Đánh độ đàng hoàng."
"Đánh độ? Nghĩa là sao?"
"Là đánh cá đó! Ai thua thì nộp cho người thắng một gói thuốc Samit và thua rồi thì coi như thua suốt đời, không cần phải đấu với nhau nữa. Sao, dám không?"
"Đâu có cần thiết phải làm như vậy, thưa chú. Chú biết mà, tu sĩ chúng tôi chơi cờ đã là quá trớn rồi, đâu nghĩ đến chuyện chơi bạc nữa!"
"Thấy chưa, ông sợ rồi. Điều đó cho thấy chuyện ông thắng tôi có vẻ như là may mắn, ngáp phải ruồi, chứ có hay ho gì!"
"Đúng, chó ngáp phải ruồi. Nếu chú cho rằng đánh cờ không phải để giải trí và chỉ có đánh độ mới phân được cao thấp thì tôi xin chịu thua vậy."
Tôi nói với giọng bình tĩnh, pha một chút khinh bạc trong đó, rồi quay về. Nhưng, ngồi vào chỗ của mình rồi, tôi mới nghe máu nóng chạy trong người. Một cái gì đó bị tổn thương. Tôi tự nhủ: "Tầm phào! Chuyện có đáng gì để phải tự ái, bận tâm. Đâu có cần phải tranh đua với những tâm hồn cờ bạc tầm thường!" Tôi nằm xuống định ngủ, nhưng anh trưởng phòng lại trờ tới, to nhỏ với tôi:
"Này, ông làm sao mà để ông Bô nói xéo tùm lum vậy?"
"Kệ ông ấy, để ý làm gì."
"Ổng nói gì mà chó ngáp phải ruồi đó. Ổng còn nói gì mà vào chùa nghe sãi tụng kinh, còn ra trận thì chỉ nghe tướng chỉ huy thôi."
"Kệ ông, nói gì cũng được mà."
"Sao mà kệ, ổng còn nói là sáu mươi người hội đồng một mình ổng thì thắng là phải rồi."
"Ừ, là phải rồi."
"Tầm bậy! Ăn thua người cầm cờ chứ người ngoài đâu có tính."
"Tính cũng được, không tính cũng được."
"Không được, ông phải làm cho rõ chuyện này. Ổng chưa phục, phải làm cho ổng phục. Ổng nói ổng thách cá độ mà ông thầy sợ không dám phải không?"
"Tôi mà đi chơi cờ bạc với ông ấy à? Cho là ông ấy thắng đi, tôi thua. Vậy là xong."
"Không, ông không thể ngưng chiến. Phải đánh cho tới khi nào đối phương tâm phục mới thôi. Đối phương chưa phục thì cuộc chiến chưa ngã ngũ."
Tôi ngồi bật dậy:
"Hay, nói hay. Tâm phục, tâm phục. Vậy mà tôi không nghĩ ra kìa."
"Ông thầy đồng ý rồi hả? Tôi nói với ổng nghe?"
"Khoan, để coi lại đã. Tôi không thích đánh độ."
"Không sao, ông thầy chỉ đánh cờ thôi, còn tôi đánh độ."
"Không độ không được sao?"
"Ổng nói không độ ổng không đánh."
"Làm như là có độ mới kích thích được tinh thần chiến đấu vậy."
"Chứ sao! Tự cổ chí kim, không cuộc chiến nào bày ra mà không nhắm vào chiến lợi phẩm cả."
"Trừ cuộc chiến của thầy tu," tôi tủm tỉm đáp.
"Niết bàn giải thoát không phải là chiến lợi phẩm của ông thầy sao?" anh trưởng phòng không chịu thua.
"Anh nói khéo lắm. Thôi được, tôi nhận lời."
Anh trưởng phòng hí hửng đi trao chiến thư và sắp đặt giờ quyết đấu. Giao ước được trọng tài đưa ra là im lặng đấu cờ; người ngoài không được mách nước hay hò reo cổ võ cho bất cứ bên nào; cầm quân cờ nào thì đi quân cờ đó, không được đổi quân cờ khác; nước cờ đã đi rồi không được đổi nước cờ khác; thời gian tối đa để suy nghĩ cho mỗi nước cờ là mười phút; ba ván cờ sẽ phân thắng bại; thắng hai ván liên tiếp coi như đã thắng, không phải đánh ván thứ ba; thắng bại đã phân thì không viện lý do gì để thách đấu ván khác nữa.
Bao cặp mắt chú mục ngó vào bàn cờ. Không khí trong phòng giam im lặng một cách đáng sợ. Tôi không ngờ cái im lặng này lại kích thích nỗi háo thắng và quyết tâm chinh phục của mình hơn là những hò reo ầm ĩ.
Tôi chọn quân cờ màu xanh như mọi khi để tỏ ra tôi xem ông Dự là kẻ cao hơn mình (vì quân cờ xanh được quyền đi trước ngay ván đầu, thường dành cho những kẻ thấp cờ hơn như mọi người thường nghĩ). Ông Dự có vẻ đẹp lòng trước thái độ lễ phép của tôi, nhưng không vì vậy mà cái vẻ đằng đằng sát khí của ông giảm đi. Ông tiến quân thần tốc, chặn đông đón tây, nước nào cũng bí hiểm, độc địa. Tôi lại bị rơi vào thế bị động, chỉ biết ứng biến theo thế công của ông. Nhưng thế cờ tôi như lò xo, ông càng ép mạnh thì nó càng bung xa, phản ứng tùy nghi, biến thủ thành công, biến nguy cơ thành lợi thế, đột kích chớp nhoáng. Tôi thắng ông ngay ván đầu. Trán ông lấm tấm mồ hôi hột. Ông kinh ngạc một lúc mới lấy lại được bình tĩnh để sắp ván cờ khác. Ông nuốt nước bọt một cách khó khăn rồi đi nước cờ đầu. Ván này, ông càng thận trọng hơn, đi những nước thật chắc nhưng e dè và thụ động. Ông thủ kín cung thành của mình khiến cho thế cờ của hai bên có vẻ như đang đình chiến để nghị hòa. Ngay lúc ấy, tôi bỗng thấy rằng không bao giờ, không bao giờ ông có thể thắng tôi được.
Tôi đưa quân mình len lỏi vào thế trận thủ thành của ông, thí cả pháo ngựa để mở đường. Đường trống, quân tôi ồ ạt tấn vào, khép chặt hai mặt công kích như hai cái càng bò cạp; mặt chính diện thì chọc thủng vào với cái đuôi mang đầy nọc độc. Ông Dự kinh hãi, mặt biến sắc. Nhưng tôi bỗng bật cười lên vì thấy rõ chỗ sơ hở của mình. Nếu không có cái cười đó có lẽ ông Dự đã ngỡ rằng ông thua rồi. Nghe tôi cười, ông trấn tỉnh, nhìn kỹ lại cờ một lúc rồi mắt ông sáng lên, vỗ đùi một cái, phản công. Thắng. Ông thắng ván đó. Ông thở phào một cái rồi cười rạng rỡ. Tôi chụp vai ông, tán thưởng:
"Chưa có nước nào hay tuyệt như vậy!"
Ông bàng hoàng, sửng sốt trước sự thích ý của tôi. Đôi ngươi ông có vẻ chết đứng trong vài khắc rồi lay động một chút trong nghi ngại.
Một huề. Phải có ván chung kết. Ván này sẽ là ván quyết định. Có vài tiếng xì xầm cho rằng tôi vờ thua để có một ván chung kết hồi hộp, gay cấn. Tôi biết không phải vậy. Tôi không vờ thua ván đó. Tôi chỉ không quyết chí thắng ván đó mà thôi. Trong một ván cờ mà cả hai bên đều không nhích đi được một bước nào thì hẳn nhiên chỉ có kẻ đã thắng được ván trước hoặc tự tin vào sức mình mới dám liều lĩnh để phá nước mở đường mà thôi. Tôi không đánh liều ván đó thì ván đó có thể kéo dài hai ba tiếng đồng hồ với một không khí rất chán.
Ván chót này ông Dự lại thay đổi thế đánh. Ông đã lấy lại chút tự tin. Hơn nữa, thể diện của ông cũng như sự cá độ — mà tôi nghe nói là rất cao — không cho phép ông đầu hàng. Ông tranh thế chủ động, tả xung hữu đột, tung cả một đội tinh binh hùng hậu tràn sang nước tôi. Nước cờ của ông mang đầy cơ tâm quyết thắng. Nhìn những quân cờ của ông, tôi thấy được cả một đội quân quyết tử, hò hét vang trời với sự hỗ trợ của chiến xa, phản lực cơ và những cỗ pháo khạc lửa. Tôi thấy quân tôi, dân tôi gục xuống, ngã xuống từng mạng một. Tôi thấy nước tôi bị oằn xuống theo sức ép của ác tâm, rồi bị cày lên bởi những tàn phá kinh hồn của bom, của đạn, của lửa hận thù. Nhìn lại thế cờ của mình, tôi thấy chỉ là nước. Nước. Nước của một con sông êm đềm, lững lờ trôi đi, chảy uốn khúc qua các lũy tre xanh, chảy từ đầu làng đến cuối làng, chảy một cách nhu thuận, uyển chuyển và hiền hòa, chảy mãi mà bất biến, bất biến nhưng không dừng chết, không dừng chết mà lại đa hình, đa hình nhưng vẫn là một. Chỉ một thể đó thôi: chảy, chảy. Cờ tôi lẩn bên này, tránh bên kia, khi tiến tới, lúc thối lui, đều là để tự vệ và tự tồn. Không tấn công nhưng không tỏ ươn hèn; không tranh thế nhưng không bỏ thế đứng. Thế của nó là chảy, chảy bất tận.
Vậy mà cờ tôi lại dồn cờ ông vào một thế bí không sao gỡ nổi. Chỉ hai nước cờ nữa thôi là ông phải xếp giáo qui hàng. Và để thắng ván này, tôi chỉ có mỗi một cách đánh để chiến thắng chứ không có cách nào khác hơn. Tôi chỉ cần đi sai nước thứ nhất thì hỏng nước thứ hai; hỏng, không những không thắng được mà còn thảm bại nữa vì cờ ông cũng đang trong thế tranh thắng tối hậu với tôi. Nước cờ quả là độc đáo và hiểm hóc đến nỗi chỉ có ông và tôi, hai kẻ trong cuộc, mới nhìn thấy được mà thôi. Tôi không vội đi cờ. Tôi cũng không cần nhìn vào bàn cờ nữa. Nước thắng đã quá rõ ràng. Tôi nhìn ngắm ông. Trong ánh mắt ông, tôi đọc được sự xuôi tay, thất vọng. Hai má ông xệ xuống, đôi môi mấp máy run rẩy để lộ hai hàm răng đánh lập cập vào nhau. Nước da ông tái đi một cách bệnh hoạn. Con hổ hung tợn nay chỉ còn là một con thỏ già hấp hối. Danh dự của ông, một thời oanh liệt vẫy vùng của ông bây giờ tùy thuộc vào nước cờ quyết định của tôi. Tôi nói khẽ, vừa đủ cho ông nghe được:
"Thắng bại đã rõ rồi."
Lời tôi buông ra làm ông xụi người xuống như thể nãy giờ ông vẫn còn hy vọng là tôi sẽ không đánh đúng được nước cờ thắng. Tôi cầm ca nước uống một hớp thoải mái, xong tôi tằng hắng một tiếng, nói tiếp:
"Chà, khó xử quá há!"
Nghe vậy, mắt ông sáng lên thấy rõ. Ông vẫn còn hy vọng. Cái hy vọng này vừa lú lên thì đã phát triển theo cấp số nhân một cách hối hả để biến thành nỗi khát khao chiến thắng vừa bị đốn ngã trong ông. Sự hăm hở, ngoan cố của ông bỗng làm nẩy sinh trong tôi một chút nực cười và một chút ác ý. Tôi lại quên tôi là một tu sĩ. Trong tôi cũng có cái khát vọng chiến thắng như ông vậy. Trong một trận thư hùng quyết đấu, chỉ có sống hoặc chết, thắng hoặc bại. Cái bản ngã của tôi không muốn bại trận. Và vì nó biết trước nó sẽ thắng, nó bước đến chung cuộc bằng những bước lững thững kiêu bạc. Nó cố ý kéo dài thời gian kết thúc để lắng nghe nỗi bập bùng thống khoái của khát vọng chinh phục đồng thời là để tra tấn, hành hạ kẻ chiến bại hầu thỏa mãn cái ác tâm hiếu chiến của nó. Tôi lấy ngón tay gõ vào con xe xanh của mình — con xe quyết định ván cờ — nói bỡn một câu:
"Mày đó nghe, đừng có đi bậy à. Ăn hay thua cũng là mày thôi đó."
Ông Dự xanh mặt và đần người ra, rồi lẩm bẩm nói theo tôi một cách vô vọng:
"Ừ, ăn thua cũng là mày thôi."
Cả phòng giam chết lặng, im phắc. Tôi nghe hơi thở đứt đoạn và dồn dập của ông. Tôi từ từ nhấc con xe lên, tỏ cho ông thấy là tôi không chọn con cờ nào khác nữa. Cái hy vọng cuối cùng còn sót lại trong ông là tôi đi sai con xe đó. Chỉ một nấc xê xích thôi là sai bét cả. Tôi bật cười lên ha hả, sảng khoái như khi một mình bước lên đỉnh núi chót vót, khám phá cái đẹp vô cùng của đất trời thơ mộng. Trong khi đó, ông Dự không kìm hãm được sự run bấn của mình. Ông ngước mắt nhìn tôi. Đôi mắt lạ lắm: có một chút thù hận và một chút khẩn cầu. Tôi tức khắc nhận biết tôi không thể thắng được ông bằng sự sát phạt sòng phẳng trong trận thế giữa hai cái bản ngã hiếu chiến và đầy khát vọng. Tôi từ từ đặt con xe xuống một cách nghiêm trang, cẩn trọng, như bước chân đầu tiên chạm nhẹ trên nền đá phong rêu của một ngôi đền cổ. Nhưng, đó là nước cờ sai. Ông Dự chớp nhanh đôi mắt một cái, sững người, ngước nhìn lại tôi như muốn hỏi: "Thật vậy sao?" Rồi ông rơm rớm nước mắt trong một vẻ kinh ngạc khó tả. Ông không tin nổi rằng tôi có thể chủ định một nước cờ tất bại phi lý như vậy. Ông khiếp hãi và bối rối trong vài giây rồi bất chợt, nỗi sung sướng tột độ của ông bùng ra, ông hét lên:
"Thắng rồi, tôi thắng rồi!"
Tôi lặng lẽ trở về góc phòng giam. Qua song sắt, tôi thấy hoàng hôn kéo xuống thật nhanh. Ngày Tết đã qua. Tuổi đời chồng thêm một lớp. Cuộc sống diễn ra trên một bàn cờ. Có kẻ thắng, có kẻ bại, có người hơn, có người thua; nhưng, bất biến hay không mới là điều thiết yếu.
Không. Không phải là một ván cờ, không phải là một bàn cờ phân ly những con người và những dòng đời mâu thuẫn đối nghịch, mà là cuộc sống. Cuộc sống là sự trôi chảy của một dòng sông êm đềm. Đôi khi có gợn sóng vào những chiều thu quạnh quẽ, nhưng đó cũng vẫn là những cái gì tất yếu vẽ nên bức tranh muôn thuở của cuộc đời.
Ông Dự rón rén bước đến chỗ tôi như một tín đồ tội lỗi muốn xưng tội. Ông nói:
"Thầy đã thắng tôi."
Tôi cười, nói:
"Có ai thắng đâu."
Virginia 1989
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét