Qua Trung bộ kinh gồm 152 kinh do Hòa Thượng Minh Châu phiên
dịch, chú thích và giảng giải, chúng ta tìm thấy một nguồn sinh lực rạt rào của
kinh tạng Pàli mà các học giả đều công nhận là gần với thời Phật nhất, ghi lại
những lời dạy của Ngài qua 49 năm du hóa. Ở đây, đức Phật được làm sống
lại như một con người, và một con người tuyệt luân.
Nghe Trung bộ kinh, chúng
ta như được thở lại bầu không khí trong lành vườn Cấp cô độc ngày xa xưa ấy.
Chúng ta cảm như được dự phần vào pháp hội đông đảo thính chúng của Phật gồm cả
loài Người và chư Thiên. Chúng ta như được gần gũi chư vị Thánh đệ tử quen thuộc
kính yêu mà khoảng cách thời gian dài 25 thế kỷ và không gian cả đại trùng
dương không làm cho chướng ngại. Này đây là tôn giả A Nan đẹp trai khả kính,
đầy nhân ái, bao dung, đa cảm. Ngài là ân nhân của phụ nữ và 12 loại cô hồn.
Chính nhờ Ngài mà phụ nữ được phép xuất gia. Lại theo truyền thống Đại thừa
giáo, thì chính tôn giả là người phát minh ra trai đàn chẩn tế mệnh danh "cứu
đảo huyền" (cái khổ bị treo ngược) vào ngày rằm tháng bảy.
Trong nghi chẩn tế có nói tôn giả Nan Đà nhân nhập định thấy đức Bồ tát Quan Âm
thị hiện thành vị thần mặt đen lưỡi dài để cứu khổ chốn địa ngục. Ngài bèn bạch
Phật và nhân đấy bày ra việc cúng cơm cháo cho cô hồn đói khổ: "Nan
đà tôn giả nhân nhập định, Cứu khổ Quan Âm thị Diện nhiên". Này
đây là tôn giả Ca Diếp nghiêm túc với hạnh đầu đà. Này đây Tôn giả Mục Kiền
Liên, chan chứa đức bi mẫn, nêu cao gương hiếu hạnh. Này đây là tôn giả Xá Lợi
Phất với trí tuệ bạt tục siêu quần. Và ôi, cảm động xiết bao, khi ta hình dung
lại bóng Từ Tôn, Đấng Đại Giác bằng xương bằng thịt qua những dòng kể của thanh
niên ngoại đạo Uttara: "Tôn giả Gotama ngồi, tâm hướng đến lợi mình,
lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thế giới. Đi đến tu viên, tôn giả thuyết pháp
cho hội chúng, không tán dương hội chúng ấy, không chỉ trích hội chúng ấy...
Hội chúng sau khi được Tôn giả Gotama khai thị, khích lệ, làm cho phấn khởi,
làm cho thích thú, làm cho hoan hỉ, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi vẫn đoái nhìn
lại không muốn rời bỏ. Chúng con thấy Tôn giả Gotama đi, chúng con thấy tôn giả
Gotama đứng, chúng con thấy Tôn giả Gotama ngồi im lặng trong nhà. Chúng con
thấy Tôn giả Gotama ăn trong nhà. Chúng con thấy Tôn giả Gotama sau khi ăn
xong, ngồi im lặng. Chúng con thấy Tôn giả Gotama sau khi ăn xong, nói lời tủy
hỉ công đức. Chúng con thấy tôn giả đi đến tu viện, chúng con thấy tôn giả đi
đến tu viện ngồi im lặng. Như vậy và như vậy là Tôn giả Gotama ấy, như
vậy và còn nhiều hơn vậy nữa." (Kinh Phạm Ma). Hình ảnh
đức Từ Phụ như trở về trong vòm trời tâm thức chúng ta qua những lời kể thật
thà chất phác ấy.
Khi đọc "Sư Tử hống đại kinh", ta
cảm thấy rùng mình, lông tóc dựng ngược như khi được nghe chính kim khẩu của
đức Từ phụ kể lại những khổ hạnh Ngài đã trải qua trên đường tìm chân lý:
"Trên thân ta, bụi bậm chất đầy trải nhiều năm tháng, đóng thành tấm,
thành miếng... Này Sàriputta, như thế này là sự cô độc của ta: Ta đi sâu vào
một khu rừng và an trú tại đấy. Khi ta thấy người chăn bò, người mục súc, người
cắt cỏ, người đốn củi hay người thợ rừng, ta liền chạy từ rừng này qua rừng
khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác.
Ta nghĩ rằng, mong chúng đừng thấy ta, và mong ta đừng thấy chúng... Khi các
con bò cái đã bỏ đi khi các người chăn bò không có mặt, ta ăn phân những con bò
con. Khi nước tiểu và phân của ta còn lại, ta tự nuôi sống với những loại ấy...
Trong những đêm đông lạnh lẽo, mùa tuyết rơi, ta sống giữa trời vào ban đêm, và
ban ngày thì sống trong khu rừng rậm rạp... Ta nằm ngủ trên bãi tha ma, dựa
trên một bộ xương... Những đứa mục đồng khạc nhổ trên ta, rắc bụi trên ta, và
lấy que đâm vào lỗ tai và ta biết ta không khởi ác tâm đối với chúng... Vì ta
ăn quá ít, tay chân ta trở thành như những cọng cỏ hay những đọt cây leo khô
héo... Vì ta ăn quá ít, các đốt xương sống của ta phô bày như một chuỗi banh.
Vì ta ăn quá ít, các xương sườn của ta gầy mòn như rui cột một sàn nhà hư nát.
Vì ta ăn quá ít, con ngươi của ta nằm sâu thẳm trong lỗ mắt, như ánh nước long
lanh nằm sâu thẳm trong giếng nước thâm sâu..."
Có khi chúng ta như được trông thấy thanh niên Bà la môn rón
rén đi đến tịnh thất của Phật, gõ nhẹ vào cửa. Thế Tôn ra mở chốt. Quang cảnh
thanh bình, an tĩnh, trong sáng, chan hòa mạch sống tâm linh ở thánh địa Cấp cô
độc ngày xưa như hiện rõ trước mắt ta, và hình ảnh đức Từ Tôn trở nên vô cùng
linh động. Chỉ ở đây, chúng ta mới bắt gặp hình ảnh đức Thế Tôn như một Con
Người, nghĩa là rất gần gũi, và do đó, càng thêm đáng kính đáng yêu. Chúng ta
như được thấy tôn giả Nàgasamàla đang đứng sau lưng Thế Tôn và quạt cho Ngài (Sư
tử hống đại kinh). Trong khi bàn về hạnh phúc của sự độc cư, chúng ta được
nghe Ngài hồn nhiên tâm sự với thị giả Nàgità rằng Ngài cảm thấy thoải mái ngay
cả khi đi đại tiểu tiện mà không thấy có người nào ở trước mặt hay sau lưng.
Đọc kinh "Xa đầu tụ lạc", chúng ta được mục kích
quang cảnh rộn rịp ở rừng cây Kha lưu lặc, khi hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục
Kiền Liên dẫn về 500 đệ tử để yết kiến Thế Tôn. Vì mới xuất gia chưa thuần thục
uy nghi cửa thiền, nên chư vị này gây nhiều tiếng động khi đặt y bát và xếp dọn
chỗ nghỉ dưới những gốc cây. Từ thảo am, đức Thế Tôn nghe ồn náo bèn hỏi thị
giả A Nan đứng một bên: "Này A Nan, các tiếng ồn ào kia là tiếng gì,
giống như tiếng hàng cá tranh giành cá với nhau?" A Nan trình
bày sự việc. Phật quở trách và bảo A Nan ra đuổi 500 vị tân tỷ kheo đi chỗ
khác: "Hãy đi đi, này các tỷ kheo. Ta đuổi các ngươi. Các ngươi chớ có ở
gần ta". Chúng ta như thấy được vẻ tiu nghỉu buồn rầu của những
vị ấy khi cuốn gói ra đi. Và chúng ta thích thú hình dung dáng điệu từ ái của
đấng Cha lành khi Ngài gọi lại hai vị đại đệ tử thân yêu để hỏi xem hai vị đã
nghĩ gì khi Ngài đuổi 500 đệ tử của họ dẫn về. Tôn giả Sàriputta thưa: "Bạch
Thế Tôn, con nghĩ rằng từ nay Thế Tôn được ít bận rộn và chúng con cũng ít bận
rộn". Tôn giả Mục Kiền Liên thưa: "Bạch Thế Tôn, con
nghĩ rằng từ nay Thế Tôn sẽ ít bận rộn, nhưng chính con và tôn giả Xá Lợi
Phất nên đảm đương việc lãnh đạo chúng tỷ kheo ấy". Đức Phật
quở Xá Lợi Phất và khen Mục Kiền Liên, vì tôn giả có tinh thần trách nhiệm,
biết lo tiếp dẫn hậu lai. Một lần nữa, chúng ta lại được chiêm ngưỡng đức độ vị
Thánh đệ tử khả ái, khả kính, được Đại thừa giáo tôn xưng là bậc đại Bồ tát về
hiếu hạnh. Nhờ Ngài mà ngày nay Phật tử chúng ta biết đến lễ Vu Lan báo đền ân
đức cha mẹ hiện tại và bảy đời qua. Nhưng đồng thời, ta cũng khâm phục hạnh
giải thoát của tôn giả Xá Lợi Phất, điển hình của Thanh văn hạnh. Ngài không
lưu tâm khi những tỷ kheo bị Phật đuổi ấy là chính do mình dẫn về. Nếu là một
người còn ngã chấp, thì dĩ nhiên phải sanh tâm buồn bực.
Đọc "Trung bộ kinh" chúng ta có được một
đường lối tu hành cụ thể như một bản đồ chỉ rõ chi tiết, đưa ta đến thành Niết
bàn, cứu cánh của phạm hạnh. Mặc dù bản thân ngài đã trải qua những khổ hạnh
cực kỳ khốc liệt trên đường tìm chân lý, đức Phật không bao giờ khuyên chúng ta
nên ép xác khổ hạnh. Trung bộ kinh trình bày một lối giáo dục đầy tình người,
thực tế, thuận nhân tính. Đối với đệ tử nào tánh nhiều tham dục, Ngài khuyên
đừng ăn ngon mặc đẹp, có thị giả dung mạo khả ái, vì dễ động lòng tham. Trái
lại, đối với đệ tử nào tánh nhiều sân, nóng tánh, Phật dạy nên cho vị ấy ăn
ngon mặc đẹp, người hầu cận vị ấy phải có mặt mày vui vẻ dễ coi, để khỏi kích
động tánh sân. Vị đệ tử nào nặng nề si chấp, ngài khuyên nên cho vị ấy ở chỗ
thoáng khí, nhìn ra một khung cảnh trời đất bao la để cõi lòng họ cũng dễ mở
rộng. Kinh "Nhất thiết lậu hoặc" (TBK1) dạy cho chúng
ta nhiều lối đối trị những lậu hoặc, hay phiền não đau khổ, phát sinh từ nhiều
nguyên nhân trên con đường tu tập. Những lời dạy của Phật ở đây rất hợp lý, hợp
tình, và là bài học quý giá cho những người có khuynh hướng quá khích. Khi đói
chúng ta nên ăn, vì đói là một nỗi khổ cụ thể, từ đó lậu hoặc dễ phát sinh
(nghèo đói dễ sinh ra nhiều thói tệ). Điều cốt yếu là nên ăn cách thế nào vừa
đủ để diệt trừ cảm thọ đói khổ mà không phát sinh cảm thọ mới là tham ăn, ưa vị
ngon vật lạ. Về nghỉ ngơi, y phục, chỗ ở và những vật dụng cần thiết khác trong
đời sống cũng vậy. Đó là những lậu hoặc cần đoạn trừ bằng cách "thọ
dụng" liên hệ đến cách "tu thân", gặp
thuận cảnh không tham đắm. Phật dạy, vị tỷ kheo thọ dụng đồ ăn, thức uống do
thí chủ cúng dường không nên ham hố, làm mất tín tâm của họ, nên xử sự như ong
hút mật hoa, không làm tổn hại đến hương sắc. Lại có những nỗi khổ mà vị tỷ
kheo cần phải đối trị bằng cách kham nhẫn, như khi đói mà không ai cho đồ ăn,
rét mà không có đồ mặc, kham nhẫn lạnh nóng, đói khát, sự xúc chạm của ruồi
muỗi, gió, sức nóng mặt trời, những loài bò sát, kham nhẫn lời mạ lỵ, hủy báng,
kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói,
nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người, (Kinh Nhất
thiết lậu hoặc). Đó là những lậu hoặc do kham nhẫn mà đoạn trừ, liên hệ đến
cách tu tâm của vì tỷ kheo: gặp gian khổ không giao động. Nhưng đây không phải
là một lối khổ hạnh cố ý mà chỉ là bất đắc dĩ. Một lời khuyên thực tế của Phật
cho các tỷ kheo là không nên cư trú những nơi khất thực khó khăn, bốn sự cần
dùng là y phục, thực phẩm, dược phẩm và những tiện nghi cư trú (sàng tòa) khó
kiếm. Phật lại còn cẩn thận như một vị cha lành khuyên bảo đàn con thơ dại, Ngài
dạy chúng ta không nên tới gần những nơi nguy hiểm, những vật nguy hiểm có thể
nguy hại đến bản thân: "Này các vị tỷ kheo, ở đây vị tỷ kheo chân chánh
giác sát để tránh né voi dữ, ngựa dữ, tránh né bò dữ, chó dữ, rắn, khúc cây,
gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước dơ, hố rác, chỗ ngồi không xứng đáng... tránh
những trú xứ không nên lai vãng (có thể chuốc lấy hiềm nghi của kẻ khác) tránh
giao du những bè bạn ác độc". (Kinh Nhất thiết lậu hoặc).
Đấy là đoạn trừ lậu hoặc bằng cách tránh né.
Nhưng lại còn có những lậu hoặc vi tế sâu xa hơn, vị tỷ kheo
cần phải quán sát một cách chân chánh, không tự dối mình, để diệt trừ ngay khi
vừa móng tâm động niệm: đó là những tư tưởng nhiễm vì dục ái, tham sân, những
tư tưởng hại mình, hại người, hại cả hai, những ác bất thiện pháp. Đấy là những
lậu hoặc phải được đoạn trừ bằng cách "tận diệt". Tư
tưởng là nguồn gốc của mọi sự, nên điều cần yếu là tỷ kheo phải biết phân biệt
những pháp nào đáng tư niệm, những pháp nào không đáng tư niệm (suy tư nghiền
ngẫm) để tránh khổ cho tâm, cũng như phân biệt món nào nên ăn, món nào không
nên ăn để tránh khổ cho thân. Phật dạy những pháp đáng tư niệm là những pháp
nào mà khi tư niệm đến chúng thì dục lậu (tức là sự tham đắm đối với năm dục
trưởng dưỡng nghĩa là những thứ cố tác dụng tăng ham muốn vật chất: sắc,
thanh, hương, vị, xúc) chưa sanh không sanh khởi, và những dục lậu đã sanh khởi
được trừ diệt. Đối với hữu lậu (sự tham đắm cõi sắc và vô sắc nơi các người tu
thiền) và vô minh lậu (không liễu tri bốn diệu đế, hay không có chánh biến
tri), cũng vậy. Còn những việc không đáng tư niệm là những việc nào mà khi tư
niệm đến thì làm cho dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh nay sanh khởi, và
những dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu sanh rồi nay tăng trường. Đây là sự đoạn
trừ lậu hoặc bằng chánh tri kiến. (Kinh Nhất thiết lậu hoặc).
Khi đức Phật dạy về sự phòng hộ sáu căn khi tiếp xúc sáu
trần làm sao để khỏi khởi lên dục ái, Ngài đã bị một số Sa môn, Bà la môn lên
án là kẻ phá hoại sự sống. Đó cũng là quan niệm thông thường của người thế tục
ngày nay và muôn thuở. Đối với họ, đi tu là một sự đày đọa thân xác dại dột, tu
là hết sống, và sống đối với họ chỉ có nghĩa là thụ hưởng thật đầy đủ năm dục
trưởng dưỡng đối với sắc thanh hương vị xúc. Dù có phải vì những thứ ấy mà họ
phải chịu muôn sầu nghìn khổ, con người cũng sẵn sàng lao mình vào đấy như con
thiêu thân lao vào ngọn lửa. Phật lấy ví dụ một người tử tội vì ham năm giọt
mật mà quên đi cái hiểm họa của hố sâu, rắn độc, voi dữ. Xét sâu vào bản chất
của ngũ dục, ta thấy tiềm ẩn một cội nguồn đau khổ rất vi tế mà đức Phật, như
một nhà phân tích tâm lý tuyệt luân, đã thám hiểm đến tận ngọn nguồn lạch sông.
Chạy trốn vào dục ái là một trong những phương pháp con người thường dùng để
giải quyết nỗi sầu ngũ uẩn, để khỏa lấp cái tẻ nhạt, vô vị của kiếp nhân sinh
nặng nề: Ta có thể thấy rõ hiện tượng này qua các trào lưu hiện sinh, con đẻ
của nền triết lý phi lý (philosophie de l'absurde). Đức Phật xem dục lạc như là
một giải pháp tạm bợ đối với người bệnh hoạn, trong khi bản chất của nó chính
thật là khổ. Như đối với một người bệnh cùi cơ thể lở lói, trong khi cơn bệnh
hoành hành, người ấy dùng móng tay cào rách miệng các vết thương rồi hơ chúng
lên hố than hừng để cảm thấy đã ngứa, dễ chịu. Vết thương, hố than hừng tự
chúng không phải là khoái lạc mà trái lại bản chất là thống khổ. Cho nên đối
với người không bệnh hay đối với người cùi khi khỏi bệnh, chúng không ham muốn,
ao ước được như người cùi kia để có cái khoái cảm của sự đã ngứa, cũng không ao
ước có những vết thương hay hố than hừng mà bản chất là thống khổ. Vì càng tìm
quên, càng chạy trốn vào dục lạc thì nỗi sầu khổ của con ngưỏi chỉ càng tăng
thêm, không vơi bớt được, như một kẻ đã khát nước mà còn ăn thêm muối vào.
Những người tìm quên trong men rượu thường phải đau khổ thấy rằng "đất
trời nghiêng ngửa, mà thành sầu không sụp đổ" (VHC). Đối với
người đã giải thoát thì năm dục như bệnh khổ, như cục bướu, như mũi tên, như
vết thương, như hố than hừng (Kinh Ma Kiên Đề, TBK II).
Đức Phật không phủ nhận có lạc thọ trong đời sống tại gia,
cũng như có lạc thọ cho người xuất gia; có hạnh phúc do tiền tài sắc đẹp danh
vọng đem lại, nhưng cũng có hạnh phúc do đời sống giải thoát xuất trần. Nhưng
trong mỗi thứ cảm thọ ấy Phật khuyên chúng ta nên phân tích, hiểu rõ ba điều:
vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly. Khi mắt tiếp xúc sắc đẹp, ta cảm thấy dễ
chịu, đó là vị ngọt của sắc khiến ta phát sinh lòng ham muốn đối với nó.
Nhưng khi ham muốn ấy suy yếu, nghĩa là khi hết ham, hoặc khi nó bị cản trở,
thì đấy là sự nguy hiểm của sắc, vì nó làm chúng ta đau khổ. Nếu khi
tiếp xúc với sắc pháp, chúng ta biết rõ nó là vô thường nên không phát sinh ưa
muốn, thì đấy là sự xuất ly đối với sắc. Ví dụ một người thấy người khác
mặt mũi xinh đẹp, càng nhìn càng ưa, đấy là thấy vị ngọt của sắc. Nếu
chưa học Pháp, người ấy đi từ sự ưa thích đến ái luyến, mong chiếm hữu làm của
riêng mình mà không được nên sinh ra sầu khổ cay đắng ê chề khi thấy sắc đẹp
kia ngoài tầm mình với tới: đó là nguy hiểm của sắc. Phàm phu là vậy chỉ
có đi từ vị ngọt đến nguy hiểm vì không biết có một con đường thứ ba. Nếu có
học Pháp, người ấy sẽ nghiền ngẫm chân lý Phật dạy: sắc là vô thường, luôn luôn
biến đổi để đi đến hủy diệt. Lại nữa sắc chỉ là thứ ngoài da, còn tính xấu nằm
trong xương tủy; ham cái vẻ ngoài của một người khi chưa biết gì đến những thói
xấu nết tốt của họ là một điều nguy hiểm. Thấy vậy bèn hết mê đắm; mặc
dù vẫn còn thấy đẹp nhưng hết ham, không đến nỗi chết mệt vì sắc, chỉ nhìn mọi
vẻ đẹp như nhìn cái ráng cầu vồng: đấy gọi là xuất ly.
Đối với người xuất gia, vị ngọt của cảm thọ là "vô
hại tầm" ở cảnh giới sơ thiền, một trạng thái hỉ lạc do ly dục sanh,
không còn tâm sân hận. "Này các tỷ kheo, trong khi vị tỷ kheo ly dục,
ly bất thiện pháp, chứng và trú sơ thiền, có tầm có tứ, trong khi ấy, vị này
không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai...
vị ấy cảm thọ một cảm thọ vô hại. Này các tỷ kheo, tối thượng vô hại ấy ta nói
là vị ngọt của cảm thọ" (Kinh Đại khổ uẩn 13, TBK
I). Sự nguy hiểm của cảm thọ là tính vô thường, biến đổi của cái cảm thọ
vô hại này. Mặc dù cảm thọ vô hại là một hạnh phúc tối thượng so với dục lạc
thế gian, nhưng nó cũng ở trong khổ uẩn vì vẫn còn chịu sự chi phối của vô
thường, biến dịch. Do đó, sự xuất ly cũng cần thiết: ấy là không tham đắm,
chấp trước cảm thọ ấy. Chính vì tham đắm vị ngọt của thiền lạc mà người tu
thiền không thể tiến thêm, bị lạc vào hóa thành, một Niết bàn giả tưởng. Quá
trình tu tập là một quá trình giảm trừ đến chỗ cứu cánh: lên đến tứ thiền, thì
cả tầm, tứ, hỉ, lạc đều bỏ, chỉ còn lại xả niệm thanh tịnh.
Ở một Kinh khác, "Kinh Sợ hãi và khiếp đảm"
(TBK I) chúng ta được nghe Đức Phật trình bày rốt ráo nguyên nhân nỗi sợ
hãi âm thầm đè nặng trên tâm thức con người muôn thuở. Chúng ta sợ đủ thứ: sợ
chết, sợ khốn khổ, sợ đói rét, sợ uy quyền, sợ cô độc, sợ bị chê bai chỉ trích,
và trên tất cả, hình như chúng ta rất sợ sự thật. Vì sợ hãi chúng ta lao mình
vào công việc làm ăn, vào các thú tiêu khiển, lập gia đình, gia nhập các đoàn
thể, nỗ lực tạo mãi tiền của, danh vọng, tri thức, tài khéo, cốt làm sao để
chứng minh mình không phải là một con số không dưới mắt mọi người và nhất là
dưới mắt mình. Nhưng cảm giác khó chịu về số không vẫn còn mãi đấy. Càng lao
tâm lao lực, cuộc sống chúng ta càng bận rộn chừng nào, với càng nhiều bạn bè
sở hữu, quyến thuộc chừng nào, chúng ta càng thấy rõ sự nghèo nàn cô độc vô vị
trống rỗng của nó chừng nấy, khi mà chúng ta bắt buộc một mình đối diện với
cuộc tử sinh của chính mình. Vì sợ hãi, chúng ta tạo ra những thần linh bất
diệt để có thể đặt niềm tin tưởng của chúng ta vào đấy để có chỗ bám víu ở giữa
một thế giới đầy dẫy những lọc lừa tráo trở. Rồi chúng ta gán cho thần linh ấy
đủ các tính xấu của chúng ta, nghĩa là cũng đầy ngã chấp nhỏ nhen, có thể rất
từ bi với một tín đồ trung kiên, nhưng cũng có thể rất độc ác với kẻ nào phản
bội. Tuy vậy, chúng ta thà có một tín ngưỡng bất toàn hơn không có gì cả.
Voltaire: "Nếu Thượng đế không thật có, thì cũng cần phải tạo ra
Thượng đế". Như những con cừu nằm xích lại gần nhau để tìm hơi
ấm,chúng ta cũng ưa quần tụ, gia nhập hội này đoàn nọ, vì không thể chịu được
mặc cảm cô đơn. Chúng ta nói tiếng nói của tập thể, ưa thích và lựa chọn giống
như sự ưa thích và chọn lựa của mọi người, để khỏi bị xem là "không
giống ai". Quả thế, vì sợ hãi cô độc, chúng ta thà làm một con cừu
ngoan ngoãn trong bầy cừu ấm áp hơn là làm một vì sao cô độc trên nền trời giá
băng.
Đức Phật không chấp nhận những giải pháp tạm bợ mà chúng ta
thường dùng để đối trị nỗi sợ hãi âm thầm ngự trị trong ta. Ngài đi thẳng vào
trọng tâm vấn đề, tìm những nguyên nhân sâu xa của nó để có thể nhiếp phục sợ
hãi. Những nguyên nhân ấy theo lời Phật dạy, là những thói xấu cố hữu trong ta
như tham, sân, si, hôn trầm, thụy miên, giao động, hoài nghi, khen mình chê
người, lười biếng thất niệm, ham danh lợi, thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp
không thanh tịnh, mạng sống không thanh tịnh. "Này các tỷ kheo, những
vị Sa môn, Bà la môn nào có thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp không
thanh tịnh, có mạng sống không thanh tịnh, những Tôn giả Sa môn hay Bà la môn
ấy chắc chắn làm cho sợ hãi khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có mạng sống
không thanh tịnh... Ta tự quán sát mạng sống hoàn toàn thanh tịnh này, cảm thấy
lòng tự tin được xác chứng hơn khi sống trong rừng núi.
Này Bà la môn, những Sa môn hay Bà la môn nào có tâm sân
hận, ác ý, sống tại các trú xứ xa vắng
trong rừng núi hoang vu... những Tôn giả Sa môn hay Bà la môn ấy chắc chắn làm
cho sợ hãi khiếp đảm bất thiện khởi lên... Những Sa môn hay Bà la môn nào giao
động, tâm không an tịnh, những Sa môn, Bà la môn nào còn ham muốn lợi danh,
tiếng tăm... những Sa môn, Bà la môn nào thất niệm, không chú ý... những
Sa môn, Bà la môn nào không có tâm định tĩnh, tâm bị tán loạn mà sống tại các
trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang vu... những Tôn giả Sa môn, Bà la môn ấy
chắc chắn làm cho sợ hãi khiếp đảm bất thiện khởi lên..." (Kinh
Sợ hãi và Khiếp đảm, TBK I).
Một trong những phản ứng thông thường của chúng ta trước sự
sợ hãi là chạy trốn: "tẩu đào vi thượng sách". Sự
chạy trốn mang nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta trốn vào trong những cuộc
vui, trốn vào những công việc, hội hè đình đám, đoàn thể, bạn bè, để khỏi phải
đối mặt với hư vô và với chính mình: ngồi thiền sở dĩ rất khó khăn là vì thế,
chúng ta phải đối diện với chính mình trong khi độc cư thiền tịnh. Chỉ có những
bậc giác ngộ mới có thể sống hoàn toàn cô độc, đối diện với chính mình mà không
phát sinh cảm giác khó chịu, trái lại cảm thấy một lạc thọ, hạnh phúc thuần
túy. "Này chư hiền, ta có thể không di động thân thể, không nói lên một
lời, sống cảm giác thuần túy lạc thọ luôn trong một ngày một đêm... luôn
trong hai ngày hai đêm.. Cho đến luôn trong bảy ngày bảy đêm..." (Kinh
Tiểu khổ uẩn). Như người ca kỹ trong thơ Xuân Diệu ngày xưa, nỗi sợ hãi
lớn nhất của ta là phải chạm mặt với chính mình: "Chớ để riêng em phải gặp
hồn em":
Em sợ lắm giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng lạnh lẽo buốt xương da
Trời đầy trăng lạnh lẽo buốt xương da
Cái "không vô biên" ấy thật
là dễ sợ, nó có thể làm chúng ta chết ngạt trong đó như một phi hành gia chết
rũ khi bay ra ngoài quỹ đạo của trái đất.
Đức Phật đối trị sợ hãi bằng cách nhìn thẳng vào nó, không
trốn chạy vào một việc làm khác, một tư thế khác, một thái độ khác như đối xử
sự thông thường của chúng ta, "Này Bà la môn, trong bất cứ hành vi, cử
chỉ nào của ta mà khiếp đảm sợ hãi xảy đến, thì ngay trong hành vi cử chỉ ấy,
ta diệt trừ nỗi sợ hãi khiếp đảm... Trong khi ta đi kinh hành qua lại, mà sợ
hãi khiếp đảm đến, thì ta không đứng, không ngồi, không nằm mà ta diệt trừ sợ
hãi khiếp đảm ấy ngay trong khi ta đang kinh hành qua lại." (Kinh
Sợ hãi và khiếp đảm).
Do sợ hãi, chúng ta thường bóp méo sự thật cho nó hợp với sở
thích của chúng ta, như người điên trong tập "Cuồng nhân nhật ký"
của Gogol luôn luôn tưởng tượng mọi sự đều tốt đẹp, có ảo tưởng rằng mình
là Hoàng đế và nhà thương điên là cung điện. Đức Phật không thế. Đối với Ngài
sự thật là sự thật, dù nó xấu xa hay đẹp đẽ, cần phải được thấy đúng như bản
chất của nó: "Này Bà la môn, có một số Sa môn, Bà la môn nghĩ rằng ngày
là đêm, đêm là ngày. Ta nói những Sa môn, Bà la môn ấy sống trong si ám... Ta
nghĩ rằng đêm là đêm, ngày là ngày". Chúng ta nhớ đến một câu trong
kinh Pháp cú, Phật dạy: "Nó đánh tôi, mắng tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi,
Ai ôm hiềm hận ấy, Oán thù không thể nguôi." Một điểm đáng lưu ý ở đây
là Phật không dạy chúng ta nên tưởng tượng sự lăng mạ thành ra sự ngợi
khen hay tưởng tượng sự đánh đập thành ra sự ve vuốt. Ngài chỉ dạy đừng ôm
giữ tâm niệm ấy nghĩa là hãy xả bỏ, cho qua để khỏi rước thêm khổ, tự hại
mình: Một lời khuyên thực tiễn, khôn ngoan.
Trong kinh "Ví dụ cái cưa", Phật
dạy Tỳ kheo dù có bị cưa xẻ thân thể ra từng mảnh từng đoạn, cũng đừng ôm lòng
sân hận mới đúng là đệ tử của Ngài. Nếu ta chấp chặt từng lời từng chữ thì thấy
lời dạy này thật khó mà thực hành. Kỳ thực lời này rất thâm thúy hiểu theo
nghĩa bóng: Dù không ai cưa xẻ, cái cưa Vô thường cũng đang cưa xẻ thân ngũ uẩn
này từng giây từng phút cho đến khi nó hoàn hoàn tan thành tro bụi. Vậy thì,
còn sống hơi thở nào, hãy sống trong chính niệm, an lạc, đừng nổi sân vì những
chuyện bất bình mà chuốc thêm đau khổ trong khi đang bị vô thường cưa dần
tới nấm mồ hoặc lò hỏa thiêu.
Không một lời dạy nào của Phật là không liên hệ trực tiếp
đến việc tìm hiểu con người chúng ta, thân tâm chúng ta, với những vấn đề của
nó. Bản chất của dục vọng, nguyên nhân của dục, con đường thoát ra khỏi dục
được đề cập một cách chi ly. Sự sống sở dĩ là khổ chính vì con người vốn đã đau
khổ vì già, bệnh, chết, lại còn đi chuốc thêm vào mình những cái phải chịu sự
chi phối của già, bệnh, chết: đó là sắc đẹp, danh vọng, tài sản. Nếu chúng ta
biết ngay trong đời sống khổ đau này, với thân xác khả hoại này, đi tìm, gần
gũi, thân cận những cái không già, bệnh, chết, thì đó là ta đã đạt được Niết
bàn, bất tử ngay trong sinh tử. Cái đó là chánh pháp tối thượng. Cho nên, Phật
dạy rằng tài sản của người xuất gia là chánh pháp tối thượng này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét