Trang Chủ - Kinh Văn - Ngoại Văn - Tư Tưởng - Khảo Cứu - Văn Học - Nghệ Thuật

Lời tựa "Vượt Qua Khuynh Hướng Duy Vật Tâm Linh" (Đạo Sinh dịch)


Loạt bài nói chuyện sau đây đã được trình bày ở Boulder, Colorado, mùa thu năm 1970 và mùa xuân 1971. Lúc đó chúng tôi vừa mới thành lập trung tâm hành thiền Karma Dzong ở Boulder. Mặc dù phần lớn học trò của tôi đều rất thành tâm trên con đường tâm linh, nhưng họ cũng đã mang đến cho con đường đó nhiều sự mê mờ, nhầm lẫn và mong cầu. Vì thế, tôi thấy cần phải chỉ cho họ một cái nhìn tổng quát về con đường và một số cảnh báo về những hiểm nguy trên con đường đó.

Giờ đây hình như việc xuất bản những bài nói này có thể lại có ích cho những ai đã từng lưu tâm đến việc tu dưỡng tinh thần. Dẫm chân lên con đường tâm linh một cách đúng đắn quả là một tiến trình cực kỳ vi tế; đó không phải là nơi chúng ta có thể nhảy vào một cách ngây thơ, hồn nhiên. Có nhiều lối rẽ dẫn đến một nhận thức méo mó, quy ngã, về đời sống tâm linh; chúng ta có thể tự đánh lừa mình với ý tưởng là chúng ta đang phát triển về tâm linh, trong khi thật ra chúng ta đang tiếp sức cho khuynh hướng quy ngã của chính chúng ta dựa vào các kỹ thuật tâm linh. Sự méo mó căn bản này chúng tôi gọi là spiritual materialism (khuynh hướng vật chất mang tính tâm linh).

Những bài nói chuyện này trước hết bàn đến nhiều trường hợp khác nhau, trong đó người ta bị cuốn vào loại khuynh hướng này, nhiều trường hợp tự đánh lừa khác nhau mà hành giả bị mắc kẹt trong đó. Kế tiếp, chúng tôi sẽ bàn đến những đường nét bao quát hơn của con đường tâm linh đích thực.

Phương cách tiếp cận được trình bày ở đây là một phương cách cổ điển của nhà Phật – không theo nghĩa nghiêm túc, mà theo nghĩa trình bày yếu nghĩa sự tiếp cận đời sống tâm linh của Phật giáo. Mặc dù con đường của Phật giáo không mang tính hữu thần, nhưng không trái với các kỷ luật hữu thần. Đúng ra, những dị biệt giữa những con đường là vấn đề nhấn mạnh và phương pháp. Những vấn đề căn bản của khuynh hướng duy vật mang tính tâm linh là những vấn đề chung đối với những phương pháp rèn luyện tâm linh. Phương cách của Phật giáo khởi đầu với sự mê lầm và đau khổ của chúng ta, và hướng đến việc lý giải nguồn gốc của chúng. Phương cách hữu thần bắt đầu với sự phong phú của Thượng đế và hướng đến việc sinh khởi ý thức để kinh nghiệm sự hiện diện của Thượng đế. Nhưng vì chướng ngại cho việc liên hệ với Thượng đế là những mê lầm và tiêu cực của chúng ta cho nên phương cách hữu thần cũng phải bàn đến chúng. Ví dụ niềm kiêu hãnh tâm linh cũng là một vấn đề đối với các phương pháp rèn luyện thuộc hữu thần cũng như đối với Phật giáo.

Theo truyền thống Phật giáo, con đường tâm linh là tiến trình vượt qua sự mê mờ của chúng ta, khám phá trạng thái giác ngộ của tâm. Khi trạng thái tâm giác ngộ bị tự ngã và các hoang tưởng kèm theo chen vào thì nó mang tính chất của một loại bản năng tiềm ẩn. Vì thế, vấn đề không phải là kiến lập trạng thái tâm giác ngộ, mà đúng hơn là đốt cháy các mê lầm chướng ngại tâm này. Trong tiến trình đốt cháy các mê lầm, chúng ta khám phá ra giác ngộ. Nếu tiến trình khác đi, trạng thái tâm giác ngộ sẽ là một sản phẩm, phụ thuộc vào nhân quả, và vì thế phải chịu sự phân rã. Bất cứ cái gì được tạo ra thì sớm hay muộn cũng phải bị hủy hoại. Nếu giác ngộ được tạo ra theo cách như thế, sẽ luôn có khả năng tự ngã sẽ tái khẳng định chính nó và khiến cho tâm trở lại trạng thái mê mờ. Giác ngộ thì thường hằng vì chúng ta không tạo ra được; chúng ta chỉ khám phá nó. Trong truyền thống Phật giáo, ẩn dụ về mặt trời xuất hiện từ sau những đám mây thường được dùng để giải thích sự khám phá ra giác ngộ. Trong thiền tập, chúng ta xóa đi sự mê mờ của tự ngã để có thể nhìn thấy trạng thái tỉnh giác. Sự vắng mặt của vô minh, của sự bị xen vào, của hoang tưởng, mở ra một cái nhìn to lớn về đời sống. Người ta tìm ra một lối hiện hữu khác biệt.

Điểm cốt lõi của sự mê mờ là con người có một cảm nhận về ngã; và cảm nhận này dường như liên tục và bền chắc đối với con người. Khi một ý nghĩ, hay cảm xúc, hay một biến cố xảy ra, sẽ có một cảm nhận về người nào đó đang ý thức về những gì đang xảy ra. Bạn cảm nhận rằng bạn đang đọc những lời này. Cảm nhận về ngã này thật sự là một sự kiện nhất thời và gián đoạn, nhưng trong sự mê mờ của chúng ta thì nó dường như liên tục và không đổi. Bởi vì chúng ta cho rằng cái nhìn mê mờ của chúng ta là thực nên chúng ta chiến đấu để duy trì và gia tăng cái ngã vững chắc này. Chúng ta cố gắng nuôi dưỡng nó bằng niềm vui và che chắn nó khỏi bị đau khổ. Kinh nghiệm liên tục đe dọa sẽ tiết lộ với chúng ta tính chất nhất thời này của chúng ta. Vì thế chúng ta liên tục chiến đấu để khỏa lấp bất cứ khả năng nào tìm ra điều kiện thật của chúng ta. “Thế nhưng,” chúng ta có thể hỏi, “nếu điều kiện thật của chúng ta là một trạng thái giác ngộ, tại sao chúng ta lại mất thì giờ cố tránh sự nhận biết về trạng thái này?” Lý do là chúng ta đã ngấm quá sâu trong cái nhìn mê mờ về thế giới, đến độ chúng ta xem nó là thật, là thế giới tồn tại duy nhất. Cuộc chiến đấu nhằm duy trì cảm nhận về một cái ngã chắc thật, liên tục là hành động của tự ngã.

Tuy nhiên, tự ngã chỉ thành công một phần trong việc che chắn chúng ta khỏi đau khổ. Chính sự không thỏa mãn đi kèm theo cuộc chiến đấu của tự ngã đã làm cho ta có cảm hứng xem xét những gì chúng ta đang làm. Và vì luôn luôn có những khe hở trong ý thức tự giác của chúng ta mà một khả năng nội quán nào đó đã có thể sinh khởi.
Một ẩn dụ thú vị được dùng trong Phật giáo Tây tạng để mô tả chức năng của tự ngã nói về “Ba người chủ của khuynh hướng duy vật”: “ông chủ Sắc tướng,” “ông chủ Ngôn ngữ,” và “ông chủ Tâm Ý.” Trong phần bàn sau đây về ba người chủ này, các từ “khuynh hướng duy vật” và “loạn thần” nhằm chỉ cho hành động của tự ngã.

Ông chủ Sắc tướng chỉ cho sự đeo đuổi có tính chất loạn thần các niềm vui, sự an toàn, sự thoải mái về mặt vật chất. Xã hội công nghệ và tổ chức cao của chúng ta phản ánh mối bận tâm của chúng ta về việc điều động hoàn cảnh vật chất chung quanh để che chở bản thân chúng ta trước những phiền toái của các khía cạnh non dại, thô thiển, bất trắc của cuộc sống. Thang máy bấm nút, thịt đóng gói, điều hòa không khí, lễ tang tư nhân, chương trình nghỉ hưu, sản xuất đồng loạt, vệ tinh thời tiết, xe ủi, ánh sáng huỳnh quang, việc làm trọn ngày, vô tuyến truyền hình – tất cả đều là những cố gắng tạo ra một thế giới vui thích, có thể dự đoán, an toàn, dễ quản lý.

Ông chủ Sắc tướng không ám chỉ các hoàn cảnh sống ổn định và giàu có về vật chất chúng ta tạo ra cho riêng mình. Đúng hơn, nó chỉ cho mối bận tâm loạn thần thúc đẩy chúng ta tạo ra chúng, cố gắng kiểm soát thiên nhiên. Đó là tham vọng của tự ngã muốn phòng vệ và nuôi dưỡng chính nó, cố tránh mọi phiền toái. Vì thế chúng ta bám vào những niềm vui và sở hữu của chúng ta, chúng ta sợ thay đổi hay buộc thay đổi, chúng ta cố tạo ra một cái kén hay sân chơi.

Ông chủ Ngôn ngữ chỉ cho sự sử dụng tri thức trong việc liên hệ với thế giới của chúng ta. Chúng ta sử dụng các loại phạm trù như những cái cán, như những cách thức quản lý các hiện tượng. Các sản phẩm được phát triển đầy đủ nhất của khuynh hướng này là các ý thức hệ, các hệ thống tư tưởng nhằm hợp lý hóa, biện hộ và thần thánh hóa cuộc sống của chúng ta. Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa hiện sinh, Thiên chúa giáo, Phật giáo – tất cả cung cấp cho chúng ta các đặc tính, các quy luật hành động, và các diễn giải về vấn đề tại sao và bằng cách nào sự vật lại xảy ra như thế.

Một lần nữa, sự sử dụng tri thức vốn không phải là ông chủ Ngôn ngữ. Ông chủ Ngôn ngữ chỉ cho khuynh hướng ở tự ngã, muốn diễn giải bất cứ điều gì đang đe dọa hoặc quấy nhiễu theo cách làm thế nào để vô hiệu hóa sự đe dọa hoặc chuyển sự đe dọa thành cái gì đó có vẻ “tích cực” theo cái nhìn của tự ngã. Ông chủ Ngôn ngữ chỉ cho việc sử dụng các khái niệm như những bộ lọc để ngăn không cho chúng ta tri nhận trực tiếp những gì đang là. Các khái niệm quá được xem trọng; chúng được dùng như những công cụ nhằm củng cố thế giới của chúng ta và bản thân chúng ta. Nếu thế giới các sự vật có thể gọi tên hiện hữu, thì “tôi”, là một trong các sự vật có thể gọi tên, cũng hiện hữu. Chúng ta ước muốn không chừa lại bất cứ chỗ nào cho sự bất ổn, sự mê mờ hay bất cứ sự ngờ vực đáng sợ nào.

Ông chủ Tâm ý chỉ cho nỗ lực của ý thức nhằm duy trì sự nhận biết về chính nó. Ông chủ Tâm ý cai quản tất cả khi chúng ta sử dụng các phương pháp rèn luyện tâm linh và tâm lý làm phương tiện duy trì ý thức tự giác của chúng ta, đồng thời nắm bắt cảm nhận về ngã của chúng ta. Ma túy, yoga, cầu nguyện, thiền, định, nhiều loại tâm lý trị liệu khác nhau – tất cả có thể được sử dụng theo cách này.

Tự ngã có thể chuyển mọi thứ thành đồ dùng của riêng nó, ngay cả tâm linh. Ví dụ, nếu bạn đã học được một kỹ thuật thiền đặc biệt hữu ích để thực hành tâm linh. Lúc đó thái độ trước tiên của tự ngã là xem kỹ thuật đó như một đối tượng thu hút, và sau đó là khảo sát kỹ thuật đó. Cuối cùng, vì tự ngã dường như chắc thật và không thể hấp thụ bất cứ cái gì khác nữa, nên nó chỉ có thể bắt chước. Vì thế, tự ngã cố gắng khảo sát và bắt chước thực hành thiền và lối sống thiền. Khi chúng ta đã học được tất cả mánh khóe và giải đáp của trò chơi tâm linh, chúng ta tự động bắt chước tâm linh; bởi vì một sự hội nhập đích thực đòi hỏi sự đoạn trừ toàn bộ tự ngã, và thật sự điều cuối cùng chúng ta muốn làm là xả bỏ tự ngã hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta không thể kinh nghiệm được cái chúng ta đang cố bắt chước. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy một vùng nào đó trong phạm vi của tự ngã, và vùng đó dường như cũng chính là tự ngã. Tự ngã phiên dịch mọi cái dựa vào tình trạng sức khỏe của nó, các phẩm tính bản hữu của nó. Nó cảm nhận được một ý thức thành tựu và phấn chấn vĩ đại trong việc có thể tạo ra một kiểu mẫu như thế. Cuối cùng nó đã tạo ra được một thành quả cụ thể, một lời xác nhận cá thể tính của chính nó.

Nếu chúng ta duy trì được ý thức tự giác nhờ vào các kỹ thuật tâm linh, thì sự phát triển tâm linh đích thực là điều khó có thể xảy ra. Những thói quen tinh thần của chúng ta trở nên mạnh mẽ đến độ khó mà xuyên thủng. Thậm chí chúng ta còn có thể đi xa hơn để đạt đến một trạng thái hoàn toàn có tính chất quỷ mị của một tự ngã tính trọn vẹn.
Mặc dù ông chủ Tâm ý có quyền lực nhất trong việc phá hủy tâm linh, hai ông chủ kia cũng vẫn có thể cai quản việc thực hành tâm linh. Lui về với thiên nhiên, sống tách biệt với cộng đồng, những con người giản dị, trầm mặc, cao cả – tất cả có thể đều là các phương cách ngăn che chúng ta khỏi bị quấy nhiễu, tất cả đều có thể là những biểu tỏ của ông chủ Sắc tướng. Hoặc có lẽ tôn giáo có thể cung cấp cho chúng ta một lý lẽ hợp lý cho việc tạo ra một cái kén an toàn, một mái nhà đơn giản nhưng thoải mái, cho việc có được một người bạn dễ mến, một việc làm ổn định, dễ chịu.

Ông chủ Ngôn ngữ cũng dính líu đến việc thực hành tâm linh. Trong khi đi trên con đường tâm linh, chúng ta có thể thay những tín ngưỡng trước đây của chúng ta bằng một ý thức hệ tôn giáo mới, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng đến theo cách loạn thần cũ. Bất kể các ý tưởng của chúng ta cao siêu đến đâu, nếu chúng ta quá coi trọng chúng và dùng chúng để duy trì tự ngã của chúng ta thì chúng ta vẫn đang nằm trong sự điều động của ông chủ Ngôn ngữ.

Nếu chúng ta khảo sát các hành động của mình, có lẽ phần lớn chúng ta sẽ đồng ý một hoặc nhiều hơn trong số ba ông chủ này đang cai quản chúng ta. Chúng ta có thể thắc mắc, “Nhưng như thế để làm gì? Đây chỉ là một sự mô tả điều kiện của con người. Vâng, chúng ta biết rằng nền công nghệ của chúng ta không thể che chở chúng ta tránh được chiến tranh, tội ác, bệnh tật, kinh tế không ổn định, công việc làm vất vả, tuổi già và cái chết. Các ý thức hệ cũng không thể che chắn chúng ta khỏi sự nghi ngờ, sự bất ổn, sự mê mờ và sự đánh mất phương hướng. Các phương pháp trị liệu cũng không thể bảo vệ chúng ta khỏi sự tan rã của các trạng thái ý thức cao mà chúng ta có thể đã nhất thời đạt được, cũng như sự vỡ mộng và nỗi thống khổ kèm theo. Thế nhưng chúng ta có thể làm gì khác đây? Quyền lực của ba vị chúa tể này hình như quá lớn, không thể lật đổ được; và chúng ta không biết phải thay thế họ bằng cái gì.

Băn khoăn trước những câu hỏi này, đức Phật đã khảo sát tiến trình cai quản của ba vị chúa tể này. Ngài tự hỏi tại sao tâm trí chúng ta lại phải theo họ, và còn có con đường nào khác không. Ngài khám phá ra rằng họ đã quyến rũ chúng ta bằng cách tạo ra một huyền thoại căn bản: chúng ta là những hiện thể chắc thực. Thế nhưng, rốt cùng huyền thoại này là giả, là một sự lừa đảo vĩ đại, một sự lường gạt khổng lồ, là căn rễ mọi khổ đau của chúng ta. Để có được khám phá này, Ngài đã xuyên phá những hàng rào phòng thủ cực kỳ kiên cố được ba tay chúa tể này dựng lên để ngăn thần dân của chúng phát hiện sự lừa gạt căn bản vốn là nguồn quyền lực của chúng. Chúng ta không thể thoát được sự thống trị của ba chúa tể này bằng bất cứ cách nào, trừ khi chúng ta cũng xuyên phá, lớp này đến lớp khác, hàng rào phòng vệ kiên cố của chúng.

Những lớp phòng vệ của ba vị chúa tể được tạo dựng từ vật liệu của tâm thức chúng ta. Họ sử dụng loại vật liệu tâm thức này theo cách làm thế nào để duy trì được huyền thoại căn bản về một hiện hữu chắc thực, không biến dịch, không hoại diệt. Để tự mình nhìn thấy tiến trình này hoạt động như thế nào, chúng ta phải khảo sát các kinh nghiệm của chính chúng ta. Có lẽ chúng ta sẽ hỏi rằng, “Nhưng làm thế nào chúng ta có thể điều động cuộc khảo sát này? Chúng ta sẽ dùng đến phương pháp hay dụng cụ gì?” Phương pháp mà đức Phật đã tìm ra là thiền. Ngài phát hiện rằng việc chiến đấu để tìm ra những câu trả lời chẳng đi đến đâu. Chỉ khi nào có những khoảng hở trong sự chiến đấu của Ngài thì sự liễu ngộ mới đến được với Ngài. Ngài bắt đầu ý thức rằng có một phẩm tính mạnh mẽ, tỉnh giác ở trong Ngài, và phẩm tính này chỉ hiển lộ khi vắng mặt sự chiến đấu. Vì thế, thiền tập có liên quan đến sự “tùy hành” (letting be).

Đã có một số quan niệm sai lầm về thiền. Có người xem thiền như một trạng thái định tĩnh của tâm. Người khác nghĩ đó là sự tập luyện, theo nghĩa một môn thể dục tinh thần. Nhưng thiền chẳng phải là gì trong số đó; mặc dù nó cũng thật sự dính líu đến việc giải quyết các trạng thái loạn thần của tâm. Trạng thái này không khó cũng không phải không thể giải quyết. Nó có năng lượng, tốc độ và một thể thức nào đó. Thiền tập liên quan đến hành động tùy hành – nỗ lực đồng hành với thể thức, nỗ lực đồng hành với năng lượng và tốc độ. Bằng cách này chúng ta học được cách xử lý các yếu tố này, cách liên hệ với chúng, không phải theo nghĩa làm cho chúng thành thục theo kiểu chúng ta muốn, mà theo nghĩa biết được chúng là gì và hành động theo kiểu mẫu của chúng.

Có một câu chuyện liên quan đến đức Phật, kể lại Ngài đã dạy cho một người chơi đàn sitar học thiền như thế nào. Người nhạc công hỏi, “Tôi nên kiểm soát tâm ý mình hay nên buông lỏng hoàn toàn?” Đức Phật trả lời, “Vì ông là một nhạc công có tiếng, hãy cho tôi biết ông lên giây đàn như thế nào.” Nhạc công trả lời, “Tôi lên giây không quá căng cũng không quá chùng.” Đức Phật nói, “Cũng giống như thế, trong khi tập thiền ông không nên áp đặt bất cứ điều gì lên tâm quá mạnh mẽ, cũng không nên để nó đi lang thang.” Đó là lời dạy về việc để cho tâm vận hành một cách cởi mở, về việc cảm nhận giòng chảy của năng lượng mà không cố gắng đè nén cũng không để mất kiểm soát, cũng như về việc tùy hành với thể thức năng lượng của tâm. Đó là thiền tập.

Sự thực tập như thế thì cần thiết; bởi vì nói chung, thể thức suy tưởng của chúng ta, cách thức đã bị khái niệm hóa của chúng ta trong việc điều động đời sống chúng ta trong thế giới, thì có quá nhiều kỹ xảo, tự định đặt mình lên thế giới, hoặc vận hành quá phóng túng và sơ hốt. Vì thế, việc tập thiền của chúng ta phải bắt đầu bằng lớp vỏ ngoài cùng của tự ngã, các ý tưởng đa đoan liên tục trôi chảy trong tâm thức chúng ta, hay tình trạng ngồi lê đôi mách của tâm trí chúng ta. Các vị chúa tể sử dụng các ý tưởng đa đoan này làm hàng rào phòng vệ đầu tiên của họ, làm những con tốt đen trong cố gắng lừa gạt chúng ta của họ. Chúng ta càng sinh khởi nhiều ý tưởng bao nhiêu, thì đầu óc chúng ta càng bận rộn bấy nhiêu, và chúng ta càng tin tưởng nhiều hơn về sự hiện hữu của chúng ta. Vì thế, các chúa tể này thường xuyên cố gắng kích hoạt loại ý tưởng này, cố tạo ra một lớp phủ thường xuyên của các ý tưởng để không gì có thể được nhìn thấy xuyên qua chúng. Trong thiền tập đích thực, không có tham vọng khuấy động tư tưởng, cũng không có tham vọng đè nén. Chúng được để sinh khởi tự nhiên và trở thành một biểu hiện của tình trạng lành mạnh căn bản. Chúng trở thành biểu hiện của sự chính xác và sự sáng tỏ của trạng thái tỉnh giác của tâm.

Nếu chiến lược liên tục tạo ra các ý tưởng nhằm làm thành vỏ bọc bị xuyên thủng, thì các chúa tể sẽ khuấy động các cảm xúc để làm cho chúng ta tán tâm. Tính chất kích động, màu mè, kịch tính của cảm xúc sẽ nắm giữ sự chú tâm của chúng ta, làm như chúng ta đang xem một buổi chiếu phim hấp dẫn. Trong việc thực hành thiền, chúng ta không khuyến khích cũng không áp chế các cảm xúc. Bằng cách nhìn thấy chúng rõ ràng, để chúng xuất hiện như chúng đang là, chúng ta không còn cho phép chúng phục vụ như một phương tiện tiêu khiển và làm tán tâm chúng ta. Nhờ thế, chúng sẽ trở thành một nguồn năng lượng vô tận, giúp tựu thành các hoạt động vô ngã.

Nếu không có các ý tưởng và cảm xúc, các chúa tể lại đưa ra một thứ vũ khí còn mãnh liệt hơn; đó là các khái niệm. Việc dán nhãn cho các hiện tượng tạo ra cảm giác về một thế giới chắc thực, rõ ràng của “các vật thể”. Một thế giới chắc thực như thế tái khẳng định với chúng ta rằng chúng ta cũng là một vật thể chắc thực, trường tồn. Thế giới hiện hữu, vì thế tôi, người nhận biết thế giới, cũng hiện hữu. Thiền liên quan đến việc nhìn thấy sự trong suốt của các khái niệm, để các nhãn hiệu không còn được dùng đến như một phương cách nhằm củng cố thê giới của chúng ta và hình ảnh về ngã của chúng ta. Việc gắn các nhãn hiệu trở thành chỉ là một hành động phân biệt. Các vị chúa tể vẫn còn nhiều cơ chế phòng vệ nữa, nhưng chúng quá phức tạp nên không bàn đến trong nội dung chương này.

Bằng cách khảo nghiệm các ý tưởng, các cảm xúc, các khái niệm và các hoạt động khác của tâm, đức Phật tìm ra rằng chúng ta không cần phải chiến đấu để chứng thực tồn tại của mình, chúng ta không cần phải lệ thuộc sự cai quản của ba chúa tể của khuynh hướng duy vật. Không cần phải chiến đấu để được tự do; sự vắng mặt của tự thân sự chiến đấu chính là tự do. Trạng thái vô ngã là sự đạt thành Phật quả. Tiến trình chuyển hóa các chất liệu của tâm từ những biểu hiện của tham vọng tự ngã thành các biểu tỏ của sự lành mạnh căn bản và giác ngộ trong việc tập thiền – có thể nói đó là con đường tâm linh đích thực.

(Nguyên tác:  Cutting Through Spiritual Materialism, by Chögyam Trungpa)