Làm thế nào để sinh khởi bodhi, trạng thái giác ngộ của tâm? Luôn có một
điều bất ổn lớn lao khi ta không biết phải bắt đầu như thế nào; và hình như ta
đang bị vướng mắc không ngừng trong giòng chảy của cuộc đời. Một áp lực thường
xuyên từ các ý tưởng, các ý tưởng miên man, cũng như sự mơ hồ và tất cả các
loại ham muốn, vẫn liên tục xảy ra. Nếu ta nói theo cung cách của một gã đàn
ông ngoài đường phố
thì hình như y không còn cơ hội vì không bao giờ thật sự có thể quay nhìn lại chính mình.
thì hình như y không còn cơ hội vì không bao giờ thật sự có thể quay nhìn lại chính mình.
Trừ phi y đọc được một cuốn sách nào đó viết về
chủ đề này rồi muốn bước vào một lối sống tu tập; nhưng dù có làm được như thế
thì hình như y vẫn không có cơ hội, không có cách nào để bắt đầu. Người ta
thường có khuynh hướng phân biệt sát sao đời sống tinh thần với cuộc sống hàng
ngày. Họ sẽ gọi người này là “trần tục”, người kia là “tâm linh”, và họ thường
có một sự phân chia thật nhanh và cứng nhắc giữa hai người. Vì thế nếu ta nói
chuyện về thiền, về tỉnh giác và về sự hiểu biết thì một người bình thường, vốn
chưa hề nghe đến những điều như thế, hiển nhiên sẽ chẳng có một ấn tượng nào
cả, và có lẽ người đó sẽ không có đủ thích thú để chịu khó lắng nghe. Và vì sự
phân chia như thế, người ta thấy rằng không thể nào bước được bước tiếp theo;
và họ không bao giờ có thể thật sự kết nối với chính mình hay với người khác
theo cách đặc biệt này. Giáo pháp, các huấn thị, các kinh văn huyền mật, có thể
rất thâm áo, nhưng dù sao đi nữa họ cũng không bao giờ có thể thâm nhập được.
Vì thế họ đụng phải bế tắc. Một người, hoặc “có khuynh hướng tâm linh” hoặc là
“một con người trần tục”; và hình như chẳng còn cách nào để bắt cầu qua khoảng
hở này. Tôi nghĩ đây là chướng ngại lớn khiến bodhi không sinh khởi. Cũng có
trường hợp những người đã đi trên con đường này lại đâm ra nghi ngờ và muốn
buông bỏ. Có lẽ họ nghĩ rằng họ sẽ hạnh phúc hơn nếu họ từ bỏ con đường và chỉ
sống như một người chủ trương bất khả tri.
Vì thế có cái gì đó không hoàn toàn trôi chảy, không nối kết được cái này
với cái kia; và đây là điều ngăn không cho bodhi của chúng ta sinh khởi. Vì thế
chúng ta phải tìm hiểu vấn đề này. Chúng ta phải cung cấp những manh mối nào đó
cho những người sống ở phố, một cách tìm kiếm nào đó, một khái niệm nào đó mà
họ có thể hiểu, một khái niệm có liên quan đến đời sống của họ và sẽ là một
phần của cuộc sống họ. Dĩ nhiên không có mật ngữ hay phép lạ nào có thể đột
nhiên thay đổi tâm trí họ. Ta ước ao chỉ nói vài câu là có thể làm cho người
khác ngộ ra; thế nhưng ngay cả những bậc thầy vĩ đại như Chúa hay Phật cũng không
thể làm được điều kỳ diệu này. Các ngài phải luôn luôn tìm kiếm cơ hội thích
hợp và tạo ra hoàn cảnh thích hợp. Nếu ta khảo sát tính tình của một người và
nghiên cứu các chướng ngại, các khó khăn thì càng ngày ta càng đi xa hơn mà
thôi, bởi vì ta đang cố tháo một nút thắt đã có sẵn ở đó, và phải mất hàng đời
hàng kiếp mới giải được tình trạng hỗn độn rối ren này. Vì thế ta phải tiếp cận
từ một góc độ khác và khởi đầu bằng việc chỉ chấp nhận tính tình của người đó
cho dù cái tâm người đó rất trần tục đi nữa. Và rồi chúng ta chọn một lĩnh vực
hoạt động hay tinh thần nào đó của họ và dùng nó như một nấc thang, một cái
neo, một cỗ xe, để ngay cả con người sống ở phố đó cũng có thể sinh khởi bodhi.
Hoàn toàn đúng khi nói Đức Phật là một con người giác ngộ, và Ngài đang tiếp
tục sống như thể tính và như Giáo pháp của một vị Phật – quy luật phổ quát nằm
trong tất cả mọi cái. Và cũng hoàn toàn đúng khi nói Tăng-già là cộng đồng cao
nhất và rộng mở nhất có thể tác động đến mọi cái. Thế nhưng phần lớn con người
vẫn không bao giờ có thể nghĩ đến việc an trú trong đó. Vì thế, dù gì đi nữa ta
vẫn phải tìm ra cách tiếp cận đúng đắn. Và ta luôn tìm thấy rằng mỗi người đều
có trong bản thân mình một tính chất đặc biệt. Một người có thể bị xem như
chẳng có chút thông minh, chẳng có chút tính người nào cả, nhưng thật ra mỗi
người đều có tính chất đặc biệt riêng của mình. Đó có thể là một loại bạo lực
hay lười biếng khủng khiếp, nhưng ta phải chấp nhận tính chất đó và không nhất
thiết phải xem đó là lỗi lầm hay chướng ngại. Bởi vì chính bodhi có ở trong
người đó; nó là hạt giống, hay đúng hơn là trọn vẹn tiềm thể tạo ra sự sinh
khởi – người đó đã ngập tràn bodhi. Như một bản kinh đã nói, “Vì Phật tính bàng
bạc khắp mọi hiện hữu nên không có gì không thể giác ngộ.”
Cuốn kinh này được biên soạn sau khi đức Phật nhập niết-bàn. Trong thế giới
chư thiên và loài người tất cả đều bắt đầu hoài nghi không biết Phật pháp có
trụ thế được không, vì hình như khi người thầy tuyệt vời đã ra đi thì tất cả
còn lại chỉ là một nhóm nhà sư khất thực; và hình như họ không làm được nhiều
việc lắm, hoặc họ không có khả năng làm được như thế. Vì thế một vị đệ tử mới
than khóc nói rằng giờ đây thế giới sinh tử luân hồi sẽ quay vòng mãi mãi với
những đợt sóng tham lam, sân hận, si mê; chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội
được nghe lời dạy và giáo huấn của đức Phật, chúng ta lại ngập chìm vào bóng
đêm. Vậy thì chúng ta sẽ làm gì? Và khi than thở như vậy thì câu trả lời đã đến
với ông: Đức Phật không bao giờ chết, lời dạy của Ngài luôn luôn hiện hữu và
việc sinh-tử của Ngài chỉ là một quan niệm, một ý tưởng. Thật vậy, không ai bị
loại trừ và tất cả chúng sinh – bất cứ chúng sinh nào có ý thức, bất cứ ai có
tâm hay căn bản tâm – tất cả đều có thể hành đạo bồ-tát, bất cứ ai cũng có thể
trở thành con người giác ngộ.
Trong ý nghĩa này, không có gì gọi là “mật giáo”, hay một giáo pháp chỉ dành cho một ít người. Về giáo pháp, nó luôn luôn khai mở; thật vậy, khai mở, bình dị và đơn giản đến độ nó được chứa đựng trong tính tình của con người đó. Anh ta có thể quen thói say sưa, quen thói bạo hành, nhưng tính chất đó chính là tiềm năng của anh ta. Và để giúp bodhi của anh ta sinh khởi, trước hết ta phải kính trọng tính chất của người đó và mở rộng trái tim của ta trước sự bạo hành của anh ta. Rồi chúng ta phải đi vào anh ta trọn vẹn và tôn trọng anh ta để khía cạnh sinh động, mạnh mẽ của tính bạo hành có thể được vận dụng để phục vụ làm khía cạnh năng lượng của đời sống tâm linh. Bằng cách này bước đầu tiên đã được thực hiện và gạch nối đầu tiên đã được lập thành. Có thể người đó cảm thấy rất tồi tệ, rằng anh ta đang làm cái gì đó xấu xa, hoặc cái gì đó không đúng đắn lắm. Anh ta có thể cảm thấy mình có những khó khăn lớn, có một vấn đề cần giải quyết. Nhưng anh ta không giải quyết được, và có lẽ trong khi kiếm tìm một giải pháp anh ta chỉ thay thế những hoạt động đã từ bỏ bằng những hoạt động khác. Vì thế chính nhờ những điều đơn giản, trực tiếp và tầm thường trong tâm và sự cư xử của anh ta mà anh ta đạt được sự chứng đắc trạng thái tâm giác ngộ của mình.
Dĩ nhiên ta không thể áp dụng điều này theo cách chung chung. Chẳng ích gì
khi phổ quát hóa hay cố gắng giải thích các khái niệm triết học cho một người ở
trong tình trạng như anh ta. Ta phải tìm hiểu thời khắc đặc biệt của người đó,
chính cái thời khắc của cái bây giờ. Và luôn luôn có một loại tia sáng, một
loại khe hở. Tính khí của anh ta không chỉ là một điều. Có cách cư xử năng
động, rồi lại thụ động, rồi năng động, liên tục thay đổi. Thời khắc đầu tiên
tạo ra và sinh khởi thời khắc kế tiếp. Vì thế luôn luôn có một khoảng hở giữa
hai thời khắc, và ta có thể lấy đó làm điểm xuất phát. Có lẽ ta phải bắt đầu
với dạng lý thuyết nào đó, bởi vì nếu không tôn trọng luân hồi sinh tử, thế
giới của sự mê mờ, thì ta không thể khám phá trạng thái giác ngộ của tâm, hay
niết-bàn. Bởi vì luân hồi sinh tử là lối vào, là cỗ xe dẫn đến niết-bàn. Vì thế
ta nên nói rằng tính chất bạo hành là tốt. Đó là một điều tuyệt vời, là cái
tích cực. Và rồi anh ta bắt đầu ý thức được điều này, cho dù lúc đầu có thể bối
rối và tự hỏi có gì tốt trong đó. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa nếu vượt qua
được phần quyến rũ của nó thì ít ra anh ta cũng bắt đầu cảm thấy tốt đẹp; và
bắt đầu ý thức mình không phải là một “tội nhân” mà là có cái gì đó rất tích
cực trong con người mình. Điều này giống hệt như khi ta tập thiền. Ta có thể
bắt đầu phát giác những điểm yếu của chính mình, có thể dưới một dạng rất nhẹ
nhàng, chẳng hạn như ta đang bị tán tâm hay đang trù tính chuyện tương lai, và
rồi một số điều nào đó bắt đầu xuất hiện, và rồi dường như ta đang ngồi để suy tính
về những điều này hơn là chăm chú hành thiền. Nhờ thế ta đã khám phá ra một số
điều nào đó, và điều này rất có giá trị, nó cung cấp cho ta một cơ hội tuyệt
vời.
Kinh sách thường đề cập đến việc nếu không có các lý thuyết, không có các
quan niệm thì ta chẳng khởi đầu được gì cả. Vì thế hãy khởi đầu bằng các quan
niệm và rồi xây dựng lý thuyết. Và khi ta đã dùng cạn lý thuyết thì nó sẽ dần
dần mở đường đến trí huệ, đến sự hiểu biết bằng trực giác; và sự hiểu biết đó
cuối cùng sẽ nối kết với thực tại. Vì thế, để bắt đầu, ta nên thật thoải mái,
đừng đối kháng điều gì cả. Ví dụ, nếu muốn giúp đỡ người khác thì ta sẽ làm
theo hai cách: một là ta giúp vì ta muốn họ trở nên khác đi, ta muốn họ giống
như khuôn mẫu mà ta đã định sẵn, ta muốn họ đi theo con đường của ta. Đó là
lòng từ bi kèm theo tự ngã, từ bi có mục đích, từ bi với những kết quả làm lợi
cho ta – và đó không hẳn là lòng từ bi chân thật. Cách giúp đỡ người khác như
thế có thể là rất tốt; tuy nhiên cái kiểu muốn cứu vớt thế gian và mang lại hòa
bình đầy cảm tính như thế thì chưa đủ; phải nhiều hơn thế nữa, phải sâu hơn thế
nữa. Vì thế trước tiên ta phải bắt đầu bằng việc tôn trọng các khái niệm và rồi
hãy xây dựng từ đó. Mặc dù trong giáo lý nhà Phật các khái niệm thường được xem
như một chướng ngại, nhưng chướng ngại không có nghĩa là ngăn ngại tất cả mọi
cái. Nó là một chướng ngại, nhưng nó cũng là một cỗ xe – nó là tất cả. Vì thế
ta phải đặc biệt chú ý đến các khái niệm.
Kinh nói rằng (tôi nghĩ là kinh Lankavatara Sutra) những nông phu vụng về vứt bỏ rác thải và mua phân bón từ những nông phu khác, nhưng những người khéo léo lại đi gom rác thải cho dù hôi hám bẩn thỉu, và đến khi dùng được thì họ lại rải lên đất để làm phân bón cho các vụ mùa. Đó là cách làm khéo léo. Đức Phật dạy rằng cũng theo cách như thế những người vụng về sẽ phân chia các thứ thành thanh tịnh và bất tịnh, và sẽ cố vứt bỏ luân hồi sinh tử mà tìm kiếm niết-bàn, nhưng những ai là bồ-tát thiện xảo thì sẽ không vứt bỏ tham, sân, si, vân vân, mà trước tiên là gom chúng lại. Điều này có nghĩa trước tiên ta nên nhận ra và thừa nhận chúng, tìm hiểu chúng và chứng ngộ chúng. Vì thế những vị bồ-tát thiện xảo sẽ thừa nhận và chấp nhận mọi thứ tiêu cực này. Và lần này họ thật sự biết rằng họ có tất cả những thứ khủng khiếp này ở trong họ, và mặc dù thật khó khăn và mất vệ sinh để làm thế, nhưng đó là cách duy nhất để bắt đầu. Và rồi họ sẽ rải chúng lên cánh đồng giác ngộ. Sau khi tìm hiểu tất cả các khái niệm và các điều tiêu cực này, họ sẽ không lưu giữ chúng nữa vào thời điểm thích hợp mà sẽ rải chúng và dùng chúng làm phân bón. Vì thế, từ những thứ bất tịnh này sẽ nảy sinh hạt giống chứng ngộ. Đây là cách ta tạo ra sự sinh khởi. Và chính ý tưởng cho rằng các khái niệm thì xấu, hay những điều như thế này như thế kia là xấu, sẽ chia cắt cái toàn thể, với kết quả là ta không còn lại gì để hành xử. Trong trường hợp đó, hoặc là ta chắc hẳn phải rất hoàn hảo hoặc phải chiến đấu chống lại chúng và cố loại trừ tất cả. Nhưng khi ta có thái độ thù hằn như thế và cố đàn áp chúng thì mỗi lần ta loại trừ được một thứ, một thứ khác lại vọt ra thế chỗ; và khi ta tấn công cái mới vọt ra này thì một cái khác lại vọt lên từ một nơi nào đó. Đây là trò đùa thường xuyên xảy ra của tự ngã để khi ta cố gắng tháo gỡ một nơi nào đó của cái nút thắt thì ta lại kéo căng sợi dây và làm cho nó thắt chặc thêm ở nơi khác; và ta luôn dính mắc trong đó. Vì thế, vấn đề là đừng có đánh nhau nữa, đừng cố gắng loại trừ điều xấu và chỉ đạt đến điều tốt, mà hãy tôn trọng và thừa nhận chúng. Vì thế lý thuyết và các khái niệm thì rất tốt, như một loại phân bón tuyệt vời. Qua hàng ngàn hàng vạn kiếp sống, ta đã gom góp nhiều rác rưởi đến độ giờ đây ta đã có một lượng lớn phân bón tuyệt vời. Trong đó có đủ các thứ, vì thế ta nên sử dụng chúng, và thật xấu hổ nếu ta vứt chúng đi. Bởi vì nếu ta vứt đi thì trọn vẹn đời sống trước đó cho đến ngày hôm nay, có lẽ là hai mươi, ba mươi hay bốn mươi năm sẽ bị uổng phí. Không những thế mà các đời trước, đời này và những đời sau nữa sẽ bị uổng phí, và ta sẽ có một cảm giác thất bại. Tất cả sự chiến đấu đó và tất cả sự gom góp đó sẽ bị uổng phí và ta cứ phải bắt đầu lại từ đầu mãi. Như vậy sẽ có một cảm giác tuyệt vọng lớn lao, và đó sẽ là một thất bại nhiều hơn là sự thủ đắc bất cứ điều gì. Vì thế ta phải tôn trọng cái kiểu liên tục đó. Có thể ta đã tách ra khỏi nguồn gốc và tất cả mọi thứ có lẽ đã xảy ra. Đó không thể là những điều tốt đẹp được. Chúng tiêu cực và ít được mong muốn. Ở giai đoạn này có những cái tốt và cái xấu; tuy nhiên sự gom góp này chứa đựng những cái tốt được ngụy trang như là xấu và những cái xấu được ngụy trang như là tốt.
Ta phải tôn trọng cái kiểu tiếp diễn của tất cả các đời sống trong quá khứ
và phần đầu cuộc sống hiện tại cho đến ngày hôm nay của ta. Và có một kiểu mẫu
tuyệt vời ở trong đó. Đã có một giòng chảy rất mạnh nơi nhiều giòng suối tụ lại
trong một thung lũng. Con sông này rất tốt vì chứa đựng những giòng suối mạnh
mẽ đang chảy trong đó; vì thế, thay vì cố chặn đứng giòng chảy thì ta nên hòa
nhập và sử dụng nó. Điều này không có nghĩa ta nên tiếp tục gom góp những thứ này
mãi. Bất kỳ ai làm thế đều sẽ thiếu tỉnh giác và trí huệ; người ấy có lẽ đã
không hiểu được ý tưởng gom góp phân bón. Người ấy có thể gom lại rác rưởi và
nhìn nhận giá trị của chúng. Và khi nhận ra được giá trị của chúng, có lẽ người
đó đã đạt đến một điểm nào đó và hiểu rằng phân bón đã sẵn sàng để dùng.
Có một câu chuyện trong giáo lý Mật tông (Tantra) về hai người bạn thân. Cả
hai đều muốn đi tìm chân lý. Họ đến gặp một vị thầy, và vị thầy nói: “Đừng
buông bỏ bất cứ điều gì. Hãy chấp nhận tất cả. Và một khi đã chấp nhận rồi thì
hãy sử dụng chúng đúng cách.” Và người thứ nhất nghĩ: “À, điều này thật tuyệt
vời. Ta có thể tiếp tục làm như ta đang làm.” Thế là anh ta xây hàng trăm nhà
thổ, hàng trăm tiệm bán thịt, và hàng trăm chỗ ăn nhậu, những việc phong tục Ấn
xem như chỉ dành cho giới hạ lưu. Anh ta bắt đầu điều hành công việc buôn bán
lớn này và nghĩ rằng đó là điều vị thầy muốn anh ta làm. Nhưng người bạn kia
lại không nghĩ làm như thế là đúng nên đã tập trung vào chính bản thân mình; và
nhờ quán sát như thế, người này đã đi đến kết luận rằng mình có đầy đủ các thứ
và không phải tích góp thêm nữa. Anh ta không phải thực hành bất cứ thiền định
nào thêm nữa, mà bằng vào việc thừa nhận vốn liếng đã có được, anh ta tựu thành
giác ngộ hay ít ra cũng là một giai đoạn nào đó của sự chứng đắc, một loại
satori. Thế rồi một hôm hai người gặp lại nhau. Họ nói chuyện và so sánh kinh
nghiệm của nhau. Người thứ nhất chẳng giác ngộ chút nào cả; anh ta vẫn đang
chiến đấu, vẫn gom góp và làm những việc như thế. Thật ra anh ta đã rơi vào một
cái bẫy tệ hại hơn và đã không bắt đầu được ngay cả việc quán sát thân tâm. Thế
nhưng cả hai đều đoan chắc mình đúng; vì thế họ quyết định đi hỏi vị thầy. Và
vị thầy nói với người đang điều hành việc mua bán: “Ta sợ rằng cách làm của con
không đúng.” Và anh ta tuyệt vọng đến độ đã rút gươm giết chết người thầy ngay
tại chỗ.
Có hai cách tiếp cận có thể xảy ra, và có lẽ có sự mơ hồ nào đó giữa hai
cách này. Tuy nhiên, nếu có người đủ khéo – không nhất thiết phải thông minh –
và đủ kiên nhẫn để sàng lọc các loại rác rưởi của mình rồi tìm hiểu tường tận
thì sẽ có thể sử dụng chúng. Vì thế, trở lại chủ đề về các quan niệm, vốn là
một ví dụ rất quan trọng, thì ý tưởng đàng sau nó là phát triển một cái nhìn
tích cực và nhận ra gia tài vĩ đại của mình. Và sau khi đã nhận ra các quan
niệm và ý tưởng của mình thì ta cũng phải, theo một ý nghĩa nào đó, khai thác
chúng. Ta thường có khuynh hướng cố buông bỏ hoặc ném chúng đi. Thế nhưng, ta
nên khai thác chúng, không phải theo nghĩa đọc nhiều sách hơn, có nhiều cuộc
thảo luận và tranh cãi triết học hơn – đó là cách tiếp cận khác, cách tiếp cận
của người bạn điều hành việc kinh doanh – mà đơn giản là ta chỉ cần biết rõ số
tài sản ta đã có. Giống như một người muốn mua cái gì đó thì trước hết phải kiểm
soát xem mình có bao nhiêu tiền; hoặc giống như tìm đọc lại cuốn nhật ký cũ để
thấy những giai đoạn phát triển khác nhau của mình; hoặc leo lên tầng mái và mở
hết các chiếc hộp cũ để tìm những con búp-bê và các món đồ chơi khi ta mới lên
ba, rồi nhìn và quan sát chúng với bao kỷ niệm gợi nhớ. Bằng cách này ta có một
hiểu biết trọn vẹn về những gì chúng ta là, và điều này quan trọng hơn là tiếp
tục tạo tác thêm. Cốt tủy của sự chứng đắc không phải là chỉ cố hiểu cho được
trạng thái giác ngộ và tảng lờ các mặt khác, vì đó chỉ là cách tự lừa dối mình.
Như ta biết, ta là người bạn tốt nhất của chính ta, người bạn gần gũi nhất của
chính ta, ta là người cùng hội cùng thuyền với chính ta. Ta biết những yếu đuối
và bất nhất của chính ta, ta biết bao nhiêu sai lầm đã phạm, ta biết mọi cái
từng chi tiết, vì thế thật vô ích khi cố gắng giả vờ ta không biết, hay cố gắng
đừng nghĩ đến mặt kia mà chỉ nghĩ đến mặt tốt; điều đó chỉ có nghĩa ta đang
tích chứa thêm rác rưởi của mình. Và nếu ta tích chứa kiểu đó, ta sẽ không có
đủ phân bón để thu hoạch một vụ mùa từ cánh đồng tuyệt vời của giác ngộ. Vì thế
ta nên xuyên suốt và tìm hiểu lại ngay cả thời thơ ấu của mình; và dĩ nhiên nếu
ta có khả năng nhớ lại những kiếp trước thì ta nên làm như thế và cố gắng hiểu
hết.
Có một câu chuyện về Brahma. Một hôm ông đến nghe đức Phật thuyết pháp. Đức
Phật hỏi, “Ông là ai?” Và lần đầu tiên Brahma bắt đầu nhìn và kiểm tra chính
bản thân mình (Brahma biểu trưng cho tự ngã); và lần đầu tiên khi nhìn vào
chính mình ông đã không thể nào chịu đựng được. Ông nói, “Tôi là Brahma, là
Brahma vĩ đại, là Brahma tối thượng.” Vì thế đức Phật hỏi, “Tại sao ông đến
nghe tôi?” Và Brahma nói, “Tôi không biết.” Bấy giờ đức Phật bảo ông, “Bây giờ
hãy nhìn vào quá khứ của ông.” Thế là Brahma, với khả năng kỳ diệu nhìn thấy
được nhiều kiếp trong quá khứ, bắt đầu nhìn; và ông không chịu đựng được. Ông
chỉ cảm thấy bàng hoàng rồi bật khóc trước mặt đức Phật. Lúc đó đức Phật nói,
“Tốt lắm, tốt lắm, Brahma! Như thế là tốt lắm.” Như chúng ta biết, đó là lần
đầu tiên Brahma sử dụng khả năng kỳ diệu của ông để nhìn về quá khứ xa xôi, và
nhờ thế ông đã thấy rõ mọi điều. Điều này không có nghĩa ta bị xuống tinh thần
và cảm thấy bi đát về điều gì đó. Điều quan trọng là kiểm tra và xuyên suốt mọi
thứ để không có gì không được nhìn thấy rõ ràng. Sau khi đã bắt đầu như thế ta
có một cái nhìn trọn vẹn về sự vật – giống như cái nhìn từ không trung có thể
bao quát được toàn bộ cảnh vật – và không có bất cứ điều gì ta giả vờ không
nhìn thấy.
Ta cũng phải quán sát nỗi sợ hãi và sự mong đợi. Nếu ta sợ chết, ta phải
quán sát nỗi sợ đó. Nếu ta sợ già, ta phải quán sát nỗi sợ đó; nếu thấy khó
chịu về điều gì đó xấu xa trong chính mình, về sự bất lực hay suy nhược nào đó
thì ta cũng phải quán sát hết. Và ta cũng phải quán sát hình ảnh tinh thần của
chính ta và bất cứ điều gì ta cảm thấy không tốt. Mới đầu sẽ rất đau khổ –
giống như Brahma đã chứng thực điều đó qua sự suy sụp của ông – trong lần đầu
tiên ta xuyên suốt và nhìn thấy; nhưng đây là cách hành xử duy nhất của ta. Đôi
khi ta chạm phải một nơi rất đau đớn, nơi ta gần như hổ thẹn không muốn nhìn
thấy, nhưng dù sao thì ta cũng không được lờ đi. Và nhờ quán sát kỹ càng nên
cuối cùng ta đã thật sự điều khiển được chính ta, hiểu biết thông suốt được
chính ta lần đầu tiên. Bây giờ ta đã biết các mặt tiêu cực, và có lẽ cũng đã có
ý tưởng nào đó về mặt tích cực. Ta vẫn chưa đạt được cái gì cả, ta chỉ vừa bắt
đầu gom phân bón. Bây giờ ta phải tìm hiểu thật kỹ và xem sử dụng như thế nào.
Đến đây ta đã phát triển được một cái nhìn tích cực và đã có một lượng hiểu
biết nào đó; và đó là cái được biết đến như là lý thuyết đích thực. Đó vẫn là
lý thuyết, nhưng ta đừng vứt xuống nước. Thật vậy, ta khai thác lý thuyết này
và trí não của ta vẫn hoạt động miệt mài, dĩ nhiên là chỉ mới động não đến một mức
nào đó; vẫn miệt mài – và không cần phải nhờ đến sách vở, các buổi thuyết giảng
hay bàn luận. Đó là một loại suy tư và học hỏi đầu tay. Lý thuyết của ta lúc đó
bắt đầu phát triển và được định hình. Và rồi ta bắt đầu khám phá không chỉ các
điều tích cực đã làm mà còn cả yếu tố giác ngộ ở trong ta. Ta bắt đầu ý thức ta
có khả năng lớn lao để sáng tạo một lý thuyết tuyệt vời như thế. Ở giai đoạn
này dĩ nhiên ta thường cảm thấy mình đã đạt được trạng thái giác ngộ, một trạng
thái satori; thế nhưng đó chỉ là một sự nhầm lẫn. Dĩ nhiên trong khám phá đầu
tiên này ta thấy rất phấn khích, rất vui vẻ, thế nhưng ta vẫn phải đi tiếp. Vì
thế, sau khi đã thấu suốt những điều này, đã tìm hiểu và khám phá chúng, ta
thấy rằng lý thuyết của ta không có dừng lại, như lý thuyết thông thường dừng
lại sau khi đọc xong một cuốn sách viết về triết học – hay kinh điển. Trái lại,
lý thuyết của ta vẫn tiếp tục. Có một sự tìm tòi liên tục, một sự khám phá liên
tục. Dĩ nhiên lý thuyết này thỉnh thoảng cũng có dừng lại. Ta đạt đến một điểm
nào đó khi ta trở nên bị cuốn hút bởi toàn bộ sự việc, ta tìm kiếm với quá
nhiều háo hức, và rồi ta dừng lại, không thể đi tiếp được nữa. Điều đó không có
nghĩa sự suy sụp hay trắc trở đã xảy ra, mà chỉ có nghĩa ta đang đổ quá nhiều
công sức cho một ý tưởng, ta đang cố gắng quá nhiều với cái tâm tìm kiếm. Lúc
đó ta phải chuyển hướng khác đi, không nôn nóng, không lôi cuốn, bước từng bước
một – như kinh nói: với bước chân voi. Ta phải bước đi thật chậm, không ủy mị,
mà thật uy nghi, từng bước một, như con voi bước đi trong rừng.
Vì thế cuộc chiến đấu miệt mài của ta có thể rất chậm chạp, nhưng Milarepa
nói, “Hãy vội vàng một cách chậm rãi và chẳng mấy chốc các ông sẽ đến nơi.” Vào
lúc này, lý thuyết không còn là lý thuyết nữa. Nó cũng là một loại tưởng tượng.
Rất nhiều điều tưởng tượng xảy ra. Và sự tưởng tượng này có thể chỉ là hoang
tưởng; nhưng một lần nữa, ta không được loại bỏ nó. Ta không được xem nó là tà
đạo, làm như ta cần phải quay về chánh đạo, mà đúng ra là ta phải tận dụng sự
tưởng tượng. Vì thế lý thuyết mang lại sự tưởng tượng, vốn là khởi đầu của cái
biết bằng trực giác. Lúc đó ta khám phá rằng ta có một khả năng tưởng tượng rất
lớn, và vì thế ta cứ đi tiếp, từng bước một. Ở giai đoạn kế tiếp ta vượt qua sự
tưởng tượng; và điều này không có gì hoang tưởng cả. Có cái gì đó trong ta chân
thật hơn sự tưởng tượng, cho dù vẫn mang màu sắc của tưởng tượng. Bằng cách nào
đó nó vẫn được trang sức bằng những đường nét tưởng tượng, nhưng đồng thời vẫn
có cái gì trong đó. Nó giống như đọc một cuốn sách dành cho trẻ con; ví dụ thế.
Cuốn sách viết cho trẻ con và toàn chuyện tưởng tượng, nhưng vẫn có cái gì
trong đó. Có lẽ tác giả đơn giản hóa kinh nghiệm của mình, hoặc cố làm như trẻ
con, nên ta vẫn tìm thấy có cái gì trong đó; và bất cứ câu chuyện nào cũng đều
có cái tương tợ như thế. Và sự tưởng tượng đó không phải là hoang tưởng mà là
sự tưởng tượng thật sự. Nếu ta nhìn lại lý thuyết, hay truy tìm những bước đi
đầu tiên của ta – điều này có thể hình như hơi mệt mỏi, thậm chí không cần
thiết – nhưng sự thật thì không phải thế. Ta không uổng phí thời gian chút nào
cả.
Ta đã rải phân bón rất đều trên đồng ruộng và bây giờ là lúc gieo hạt và chờ
vụ mùa tăng trưởng. Đó là sự chuẩn bị ban đầu, và bây giờ ta sẵn sàng để khám
phá. Và sự khám phá đó bắt đầu phát triển. Có nhiều chuyện ta muốn hỏi và nhiều
điều vẫn không rõ ràng lắm. Nhưng thật ra ở giai đoạn này ta thật sự không cần
phải hỏi gì cả. Có lẽ ta chỉ cần người nào đó bên ngoài nói rằng nó là thế đấy
cho dù câu trả lời đã sẵn trong ta. Câu hỏi giống như lớp vỏ bên ngoài, giống
vỏ củ hành, và khi ta bóc nó đi thì câu trả lời có ở đó. Đây là điều Asanga,
nhà triết học và luận lý học vĩ đại của Phật giáo, gọi là “cái tâm trực giác”.
Trong loại tâm trực giác này, nếu ta nghiên cứu kỹ luận lý học đích thực, ta
thấy rằng những câu trả lời – và thái độ của người đối lập – đã có trong ta. Vì
thế ta không phải tìm kiếm câu trả lời, vì câu hỏi chứa đựng câu trả lời trong
đó. Việc cần làm là hãy đào sâu vào. Đó là ý nghĩa đích thực của luận lý học. Ở
giai đoạn này ta đã đạt đến một loại tình cảm nào đó; sự tưởng tượng trở thành
một loại tình cảm. Và với tình cảm đó dường như ta đã đến được lối vào.
(Trích Chương 2 “Meditation in Action” của Chögyam
Trungpa Rinpoche, Đạo Sinh dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét