Có nhiều cách thức để chúng ta tiếp cận với kinh điển.
Chúng ta đọc kinh như một tác phẩm văn học để tìm ra những biểu hiện thẩm mỹ
của nội dung tư tưởng, hay đọc kinh để hiểu những phạm trù triết học, những
tư tưởng ẩn áo mà kinh hàm chứa, v.v…
Cách thức nào không quan trọng. Song, một điều mà người
học Phật cần phải lưu ý là cái chân lý thường nghiệm thì phi ngôn thuyết; nó
có được do sự kinh nghiệm của mỗi người, như uống nước nóng lạnh tự biết; tự
mình phải thâm chứng lấy những gì hàm dưỡng trong giáo lý, không phải chỉ để hiểu
mà còn hành nữa. Nên con đường giải thoát của Phật giáo cốt ở ba kỷ
luật: Giới, Định, Tuệ. Giới nhằm điều chế phong thái bên ngoài, Định nhằm
điều chế tâm tư, còn Tuệ nhằm hiểu biết chân xác. Sự hệ trọng của thiền định
trong Phật giáo là vậy.
Chúng ta biết rằng, lý do tồn tại của Thiền cốt ở tâm
chứng, không phải ở triết luận có hệ thống. Thiền chỉ có một khi mọi suy luận
được nghiền nát thành sự kiện sống hàng ngày và trực tiếp thể hiện sinh hoạt
tâm linh của con người. Kinh Kim cang là một thể hiện sinh động
Thành tựu Bát-nhã Ba-la-mật, đời sống của một bậc Thế Tôn
giống y như mọi người không có gì cách ngăn, lập dị; nó vượt ngoài tập quán
lễ nghi có tính cách hình thức rườm rà. Cho nên đức Phật đã nói thời pháp Kim
cang Bát-nhã trong một bối cảnh thời gian không gian thật là giản dị: “Bấy
giờ, gần đến giờ ăn, Thế Tôn đắp y, mang bát, vào đại thành Xá Vệ khất thực.
Trong thành, theo thứ lớp từng nhà xin xong, Thế Tôn trở về Tinh xá dùng cơm
rồi, cất y bát, rửa chân xong, trải tòa mà ngồi.”[1]
Trong kinh Kim cang, chúng ta sẽ thấy không giống
như kinh điển Đại thừa khác, mà lại gần với Nguyên thủy ở chỗ Phật ôm bình
bát khất thực xong rồi trở về Tinh xá. Sau bữa ăn, các vị Tỳ-kheo thường tập
hợp tại giảng đường để thảo luận giáo lý. Bấy giờ, trong đại chúng có sự hiện
diện của Tu-bồ-đề; và ngài bắt đầu thưa hỏi. Ở đây, không mở đầu bằng sự
phóng quang, hay những thần thông biến hóa; những vấn đề được nêu trong kinh Kim
cang là những sự việc trong đời sống, là những cái ăn, cái uống, nghỉ
ngơi… Phải chăng đó là bài pháp sống động nhất về tinh thần Phật giáo, hoàn
toàn phù hợp với tông chỉ “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” của Thiền
tông?
Liên hệ Thiền sử
Chúng ta ngược dòng Thiền tông để tìm khởi nguồn của nó.
Tại hội Linh Sơn, khi đức Phật cầm hoa sen khai thị trước
đại chúng, lúc bấy giờ tất cả đại chúng đều im lặng, chỉ riêng có ngài
Ca-diếp trực ngộ được tâm ý của Phật, mỉm cười. Phật liền bảo: “Ta có
chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, pháp môn vi diệu, thật tướng, vô
tướng, nay đem phó chúc cho Ma-ha Ca-diếp.” Chính lời phó chúc ấy là
khởi điểm truyền thống Thiền tông: Thiền là pháp môn “Bất lập văn tự, giáo
ngoại biệt truyền.” Thiền chủ trương ly ngôn, vì Thiền là đạo sống. Dòng
Thiền ấy được khơi nguồn và lặng lờ trôi chảy giữa bình nguyên nhân loại, mãi
cho đến thời Lục Tổ thì phát triển rực rỡ; như một gốc cổ thụ lâu năm được
hấp thu biết bao tinh hoa và dưỡng khí của đất trời để kết tinh nên một đóa
hoa Thiền ngạt ngào hương sắc.
Nhiều người cho rằng Ngũ Tổ là vị Thiền sư đầu tiên có ý
định giải thông điệp Thiền theo giáo lý Kim cang. Nhưng chúng tôi
không đồng ý hẳn với quan điểm ấy. Bởi theo lời tựa của tổ Huệ Năng viết cho
bộ kinh Kim cang, “Đạt-ma từ lúc qua Tàu luôn luôn phát tâm xiển
dương yếu chỉ Kim cương để người học có thể đạt lý và ngộ tánh”[2]
Do vậy, ta có thể coi Ngũ Tổ như khởi đầu của một khúc quanh quyết định trong
Thiền sử để cho vị tổ thứ sáu - Huệ Năng - mở thông hết Thiền môn. “Huệ
Năng, một dân quê không hề biết đọc, biết viết, cho nên sự tỏ ngộ từ kinh Kim
cang là sự xác lập Thiền tông trên cơ sở Bất lập văn tự, giáo ngoại
biệt truyền.”[3]
Thử đặt vấn đề: Vì nhu cầu nào mà tổ Huệ Năng được trình
bày như một anh nhà quê thất học? Phải chăng là để nhấn mạnh sự chỏi ngược
giữa hai đệ tử ưu tú nhất của Ngũ Tổ (Huệ Năng và Thần Tú), tức đồng thời
nhấn mạnh đến thực chất của Thiền, độc lập ngoài học hỏi và kiến thức?
Sự thật như thế nào không quan trọng. Điểm lưu ý ở đây:
Lục Tổ khi còn là cư sĩ, gánh củi vào nhà người mua, nghe nhà bên cạnh tụng
kinh Kim cang, Ngài liền tỏ ngộ. Sau đó Ngài đi xuất gia tìm đến Ngũ
Tổ. Khi được Ngũ Tổ cho vào thất, cũng đem kinh Kim cang giảng cho
Ngài nghe. Nghe đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài liền đại ngộ,
được Ngũ Tổ truyền y bát và tiễn đi trong đêm ấy. Điều này hẳn là Thiền mà
Lục Tổ kế thừa được lập cước trên kinh Kim cang.
Tư tưởng Thiền học trong kinh Kim cang
Chúng ta có thể nói rằng, ngày xưa ngài Huệ Năng âm thầm
lên núi Hoàng Mai cầu pháp là tâm trạng của người hoang mang giữa mê và ngộ -
cách nhau giữa kẽ tóc đường tơ – đi cầu Thầy để thử thách, để trắc nghiệm sự
tâm chứng của mình; gần như để được ấn chứng, chứ không hẳn để học đạo.
Huệ Năng không phải là người học sâu hiểu rộng[4],
bù lại có một trực quan kỳ tuyệt. Tất cả sự tu chứng của Huệ Năng, khi chưa
đến chùa, chỉ quy vào âm hưởng của bộ kinh Kim cang khi Ngài nghe
người ta tụng; khi ngài đến chùa và lo việc bửa củi, giã gạo, âm hưởng ấy
tiếp tục đuổi theo, đánh phá và chấn động vào tinh thần trinh nguyên ấy; thêm
vào đó là bầu không khí Thiền nung nấu hàng ngày bằng những thời nói kinh Kim
cang của tổ Hoằng Nhẫn; đặc biệt, bài kệ của ngài Thần Tú như “một
đòn tâm lí trí mạng quật chết chú tiểu Huệ Năng để sống lại thành Thiền tổ
Huệ Năng.”[5]
Thật vậy, không có Thần Tú ắt khó có Huệ Năng; không có
bài kệ “Thân thị bồ-đề thọ”[6]
của Thần Tú ắt khó có bài kệ “Bồ-đề bổn vô thọ”[7]
để Huệ Năng được chính thức kế thừa tâm ấn của Thiền Đông Độ; mà tâm ấn ấy
chính là sự đốn ngộ, thức tỉnh hẳn cái thực tánh vô tánh trong Huệ
Năng, chỉ là tám chữ “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim cang.
Do chỗ ngộ được lý không trong kinh Kim cang
nên bài kệ của ngài Huệ Năng biểu hiện rõ tinh thần vô ngã; không chấp tướng
(Bồ- đề chẳng phải cây, chơn tâm không phải đài), không chấp mình tu (Xưa nay
không một vật), không chấp mình chứng quả (Chỗ nào dính bụi trần); không còn
các tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả.
Quay trở lại kinh Kim cang, chúng ta thấy rằng,
chủ đích của kinh Kim cang chỉ nằm trong hai câu hỏi của Tôn giả
Tu-bồ-đề: “Những Thiện nam, Tín nữ phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh
giác rồi nên trụ cái tâm ấy thế nào? Và hàng phục cái tâm của họ thế nào?”[8]
Đức Phật trả lời hàng phục tâm tóm lược bằng cách
độ tất cả chúng sanh (vọng tưởng) vào Vô dư Niết-bàn, mà không thấy có chúng
sanh (vọng tưởng) được diệt độ, vì không còn thấy có bốn tướng.[9]
Nói một cách dễ hiểu hơn, đưa tất cả vọng tưởng vào chỗ vô sanh, vì mọi chấp
ngã đều sạch: “Các Bồ-tát lớn nên hàng phục cái tâm như vầy: Hết thảy những
loại chúng sanh, hoặc trứng sanh, hoặc thai sanh, hoặc ướt sanh, hoặc hóa
sanh, hoặc có sắc, hoặc không sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc
chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng, ta đều làm cho vào Vô dư
Niết-bàn mà được diệt độ. Diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh như
thế, mà thật không có chúng sanh nào được diệt độ. Bởi vì sao? – Tu-bồ-đề!
Nếu Bồ-tát có tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thời
chẳng phải Bồ-tát.”[10]
Vì sao? Vì bốn tướng ngã trong kinh Kim Cang đều do tâm trụ hư dối
mà sinh ra. Vì vậy, hàng phục tâm là tri nhận tánh không của đối
tượng mà không trụ vào đối tượng đó nữa, nghĩa là tri nhận thực tại giả lập
mà có, nó do duyên sanh. Phật dạy chúng ta nên khởi quán tất cả pháp hữu vi
như giấc mộng huyễn hóa, hòn bọt, cái bóng, sương mù, điện chớp:
“Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh Như lộ diệc như điện Ưng tác như thị quán.”[11]
(Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, bóng Như sương và như chớp Nên khởi quán như thế.)
Pháp hữu vi là những cái có hình tướng, có động tác, tóm lại
là sáu trần bên ngoài, sáu căn nơi thân và sáu thức bên trong. Nếu chúng ta
thấy căn, trần, thức đều là mộng huyễn thì phá được cái chấp ngã nơi thân,
chấp ngã trong tâm và chấp pháp bên ngoài.
Còn đối với vấn đề an trụ tâm, đức Phật dạy:
“Đối với pháp, Bồ-tát nên không trụ vào pháp mà bố
thí: nghĩa là bố thí mà không trụ vào các pháp sắc, thinh, hương, vị, xúc,
pháp. Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên bố thí không trụ vào pháp tướng như thế. Bởi vì
sao? Nếu Bồ-tát bố thí mà không trụ tướng, thời phước đức không thể nghĩ
lường.”[12]
“Các Bồ-tát lớn nên sanh tâm thanh tịnh như vầy: Không nên trụ sắc mà
sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm, phải nên
không trụ nơi nào hết mà sanh tâm.”[13]
Nói một cách dễ hiểu, Bồ-tát nên buông xả, không dính mắc, buông xả sáu trần
không dính mắc tướng. Trạng thái bố thí của Bồ-tát là thí tất cả mà chẳng
thấy có thí gì. Cho nên, gọi là làm việc bố thí, nhưng Bồ-tát không trụ
tướng, không chấp đó là công đức, đó là hành động bố thí do mình làm. Bởi vì
sự tu hành đó chỉ là sống cho phù hợp với pháp tánh vốn vậy của chính mình.
Sống đúng pháp tánh, tùy thuận pháp tánh là có phước đức, mà không còn trụ
chấp để mong chờ, để đòi hỏi phước đức ở nơi ai khác ưu ái ban cho. “Ưng vô
sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, là Bồ-tát đối với hạnh bố thí phải nên vô sở trụ.
Bố thí như thế, phước đức vô lượng vô biên, nhiều như hư không trong mười
phương.
Yếu chỉ của kinh Kim cang chỉ nằm trong ba chữ vô
sở trụ này mà thôi. Tâm không trụ pháp (vô trụ). Pháp không là chỗ sở
trụ của tâm (vô sở trụ). Ðó là cách trụ tâm duy nhất.
Không trụ tâm tức là cách nói khác của vô tâm. Tất nhiên,
vô tâm không thể được giải thích là trạng thái tuyệt diệt không tri giác,
không diệu giác, vì nếu quả thật vậy thì chẳng khác gì gỗ đá vô tri. Vô tâm ở
đây là tâm ở trạng thái rỗng suốt không bị trói buộc bởi bất cứ pháp nào; là
tâm không quái ngại vì không chấp trước, không thủ trước bất cứ vật gì; là
tâm thênh thang không dừng trụ ở bất cứ thời và không gian nào, ngay ở đây
chính là đời sống thiền mà Trần Nhân Tông, vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên
Tử của Việt Nam đã thể hiện:
“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền Trong nhà có báu thôi tìm kiếm Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền.”
Thật ra, buộc trói hay mở ra, thủ trước hay buông xả… tất
cả đều thuộc về thế giới của vọng tâm, của tâm chúng sanh, không phải vô tâm.
Tâm rũ sạch mọi trần cấu, mọi triền phược thì tâm ấy không còn là tâm chúng
sanh nữa mà là Chơn tâm.
Như thế, sự hiện hữu sinh diệt của vọng tâm, vọng tướng
chẳng khác gì hoa đốm giữa hư không, là mộng, là huyễn. Nó vốn là không, chỉ
vì tâm mê mới vọng chấp là thật có. Dùng Trí tuệ Bát-nhã hằng soi sáng như
vậy tức là đã vào cửa Thiền tông. Cho nên, đức Phật dạy: “Quá khứ tâm bất
khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.”[14]
Tâm quá khứ đã diệt nên không thật có, tâm hiện tại không dừng trụ nên không
thật hữu, tâm vị lai chưa đến nên cũng không hiện thực. Vậy, còn tâm nào để
hàng phục, còn tâm nào để an trụ, còn tâm nào để chứng đắc? Tâm mà rỗng không
tịch lặng như nhiên thì ngôn ngữ nương vào đâu để hiện khởi, để biểu đạt? Thế
thì, chủ đích kinh Kim cang với chủ đích Thiền tông nào có khác. Đó
chính là lý do Thiền Đông Độ sau thời Ngũ Tổ, Lục Tổ xem kinh Kim cang
như là bộ kinh tông chỉ của Thiền.
Để tóm tắt lại những gì nói về Kim cang
Chúng ta thấy rõ trong cả hai phương thức để hàng phục
vọng tâm và an trụ chơn tâm, hành giả đều phải buông xả tất cả vọng chấp về
ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả và các pháp như là những thực thể hiện hữu.
Khi nào còn một mảy may ý niệm cố chấp về sự thực hữu của ngã và pháp thì
vọng tâm điên đảo vẫn còn khởi động, do đó, không thể ngộ chứng và an trú
được Chơn tâm. Muốn buông xả cái vọng chấp ngã và pháp thì hành giả
nhất định phải vận dụng đến trí Tuệ Bát-nhã để quán nghiệm.
Khi thực hiện quán nghiệm và liễu ngộ được rằng vạn hữu là
giả lập, là không, thì hành giả có thể buông xả tất cả mọi chấp trước đối với
vạn pháp. Đó là bước chân cuối cùng buông bỏ mặt đất vô minh triền phược để
lao mình vào khoảng hư không vô tận và thênh thang cùng pháp giới bao la. Đây
chính là con đường trung đạo thể nhập đệ nhất nghĩa tuyệt đối. Cho nên, Trí
tuệ Bát-nhã không thể dừng lại ở chỗ quán nghiệm thực tướng của pháp để chỉ
thấy rằng các pháp là giả, là không. Trí tuệ Bát-nhã là diệu lực đẩy hành giả
vào tận cùng tuyệt lộ của vọng thức để đi thẳng vào linh địa của Chơn tâm. Ở
đây, Kim cang hết sức thiện xảo trong vai trò mở đường. Bằng tinh
thần vô sở trụ; chỉ với tinh thần này, Kim cang mới đóng
nổi vai trò dẫn đường cho hành giả tu Thiền, hoàn toàn phù hợp với tông chỉ
“Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền.”
Cuối cùng, chúng ta cần phải ghi nhớ, vai trò của kinh
cũng chỉ hạn cuộc trong cái gọi là “ngón tay chỉ mặt trăng” mà thôi. Thiền
tông không chủ trương lý giải bất cứ một học thuyết nào. Thiền tông phủ định
bất cứ thứ gì có thể đem trí óc mà hiểu như là một đối tượng của tư tưởng.
Thiền là pháp môn hướng dẫn hành giả bằng trực chỉ để đi đến trực
ngộ. Đó là thấy tánh. Đã thấy tánh rồi thì làm gì vẫn không lìa tự tánh,
hành động nào cũng tùy nghi mà hợp đạo, hợp thiền; gặp cảnh sống nào cũng giữ
được tâm thái an nhiên, tự tại. Đây cũng chính là lý do đức Phật đã nói thời
pháp Kim cang Bát-nhã trong một bối cảnh thời gian không gian thật là giản
dị.■
THƯ MỤC THAM KHẢO
Thích Huệ Hưng dịch, Kinh Kim Cang Giảng Lục,
Chùa Tuyền Lâm tái bản, 1970
Hám Sơn Đại Sư, Kim Cang Quyết Nghi & Tâm Kinh
Trực Thuyết, Nxb Tôn Giáo, 2006
Thích Viên Giác dịch giải, Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận,
Trung Tâm Phật Giáo Hayward, 1996
Thích Từ Thông, Bát Nhã Ba La Mật Kinh Trực Chỉ Đề
Cương, Huỳnh Mai Tịnh Thất, 1988
Tịnh Huệ, Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Luận Giải,
1991
Suzuki, Thiền Luận I, II, III, Nxb Thành Phố Hồ
Chí Minh, 1993
Trúc Thiên, Huyền Giác-Chứng Đạo Ca, Lá Bối, 1962
Tuệ Sỹ, ‘Tính Khế lý và Khế cơ trong kinh Kim cang’, Tập
San Pháp Luân số 56, (2008)
Tuệ Sỹ, Thiền và Bát Nhã, Ban Tu Thư Phật Học,
2004
[1].
Thích Huệ Hưng dịch, Kinh Kim Cang Giảng Lục, Chùa Tuyền Lâm tái
bản, 1970, tr. 15
[2].
Trích lại theo Suzuki, Thiền Luận I, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh,
1993, tr. 294
[3].
Tuệ Sỹ, ‘Tính Khế lý và Khế cơ trong kinh Kim cang’, Tập san Pháp Luân, số 56
(2008), tr. 33-34
[4].
Pháp Bảo Đàn Kinh: “Ta chẳng hiểu pháp Phật”
[5].
Trúc Thiên, Huyền Giác- Chứng Đạo Ca, Lá Bối, 1962, tr. 18
[6].
Bài kệ:
Thân thị bồ-đề thọ
Tâm như minh cảh đài Thời thời thường phất thức Vật sử nhạ trần ai.
(Thân là cây bồ-đề
Tâm như đài gương sáng Luôn luôn phải lau chùi Chớ đề dính bụi trần)
[7].
Bài kệ:
Bồ-đề bổn vô thọ
Tâm phi minh cảnh đài Bổn lai vô nhất vật Hà xứ nhạ trần ai.
(Bồ-đề không phải cây
Chơn tâm không phải đài Xưa nay không một vật Chỗ nào dính bụi trần)
[8].
Thích Huệ Hưng, Sđd, tr. 20
[9].
Bốn tướng: Tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.
[10].
Thích Huệ Hưng, Sđd, tr. 22-24
[11].
Thích Huệ Hưng, Sđd, tr. 99
[12].
Thích Huệ Hưng, Sđd, tr. 26
[13].
Thích Huệ Hưng, Sđd, tr. 44-45
[14].
Kinh Kim cang
|
Trang Chủ - Kinh Văn - Ngoại Văn - Tư Tưởng - Khảo Cứu - Văn Học - Nghệ Thuật
Tư Tưởng Thiền Học Trong Kinh Kim Cang (Thích Nữ Khánh Năng)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét